UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Tại Phiên họp 18 diễn ra chiều 21/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, nội dụng Quy hoạch tổng thể quốc gia cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch 2017, Điều 20 của Nghị định 37/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương pháp lập quy hoạch có tính liên ngành, liên vùng, có tham gia nhiều bên, theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm tiếp cận từ tiềm năng lợi thế, cân đối tổng thể và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế quốc gia và quan tâm đến các xu thế và khả năng hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2021-2030 và trong tương lai.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phiên họp thứ 18.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan tổ chức có liên quan; dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng một cách cẩn trọng, thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu.
Nên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho vùng động lực phía Nam với cực tăng trưởng là Tp.Hồ Chí Minh
Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tăng tính khả thi của quy hoạch, phù hợp với các nguồn lực của quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng có một số góp ý cụ thể:
Về Quan điểm và mục tiêu phát triển: Quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển quốc gia đã đảm bảo các yêu cầu khách quan, đa dạng phong phú, hướng đến việc giải quyết các mẫu thuẫn trong quá trình phát triển và tạo ra sự cân bằng về không gian phát triển giữa các vùng trong cả nước. Tuy nhiên, một số mục tiêu còn chưa thật rõ, cần tiếp tục được cụ thể hoá:
Theo PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, vùng động lực phía Bắc gắn với cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội đã cơ bản hình thành và vận hành tốt nhờ hạ tầng giao thông và các hạ tầng kinh tế - xã hội khác được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2021-2030, khi nguồn lực đầu tư quốc gia còn khó khăn, nên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho vùng động lực phía Nam với cực tăng trưởng là Tp.Hồ Chí Minh và hoàn thiện hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).
Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay được các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thống nhất là chất lượng giáo dục cả phổ thông và đại học chưa cao; sức khoẻ và năng lực của lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động từ các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng khẳng định: Nguồn nhân lực và chất lượng lao động là một trong những tiền đề quan trọng nhất đảm bảo cho việc thực hiện thành công các chiến lược công nghiệp hoá trong giai đoạn 2021-2030. Do đó, mục tiêu về giáo dục cần làm rõ hơn và được ưu tiên cao hơn, đó là: Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN (tức là ngang bằng với Malaysia) về tất cả các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đại học.
Đi cùng với tăng trưởng kinh tế trong gần 30 năm qua là tình hình suy thoái môi trường, dịch bệnh tăng nhanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ toàn dân, tạo gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế quốc gia. Do đó, cần tiếp tục làm rõ hơn mục tiêu “Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”; nâng tỷ lệ giường bệnh tư nhân từ 15% (như dự thảo) lên đạt 20-25% vào năm 2030.
Về phát triển kết cấu hạ tầng: Theo PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, cần xác định cụ thể Khung kết cấu hạ tầng quốc gia cần xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm những gì để đưa ra giải pháp thực hiện. Hiện nay, không có quốc gia nào có thể công nghiệp hoá mà việc vận chuyển hàng hoá được thực hiện với từng chiếc xe tải chở từng công te nơ (container) rong ruổi trên các tuyến đường với chi phí vận chuyển rất cao, tạo nhiều rủi ro mất an toàn giao thông. Vì vậy, cần cân nhắc thay đổi từ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ một cách dàn trải để tập trung xây dựng được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chở hàng và chở người (tốc độ 150-200 km/giờ, có công nghệ, chi phí và thời gian xây dựng phù hợp với các yêu cầu và điều kiện mà đất nước ta đang và sẽ có).
Định hướng phát triển hệ thống đô thị Quốc gia.
Về Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội: Các định hướng cần được tiếp tục cân nhắc, chọn lọc kỹ hơn, căn cứ vào việc đánh giá chính xác khả năng và nguồn lực tài chính có thể huy động, khả năng giải ngân, số lượng và năng lực của nguồn nhân lực quốc gia. Trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung ưu tiên cho: Vùng động lực phía Nam (Tp.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long, Hành lang kinh tế Bắc - Nam: đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A. Các vùng động lực và hành lang kinh tế khác nên đưa vào các giai đoạn sau 2030.
Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển
Về Định hướng phát triển không gian biển: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp bách. Tuy vậy, với mọi quốc gia có biển, việc phát triển không gian biển luôn luôn đòi hỏi phải huy động một nguồn lực (tài chính, khoa học công nghệ và con người) rất lớn để thực hiện. Các định hướng phát triển không gian biển trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục được cân nhắc, chọn lọc, khoanh vùng ưu tiên, tăng tính khả thi, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Định hướng sử dụng đất quốc gia là một nội dung quan trọng hàng đầu. Nội dung này cần đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của các định hướng phát triển quốc gia (bao gồm phát triển không gian kinh tế - xã hội, không gian biển, không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, các ngành hạ tầng xã hội các ngành hạ tầng kỹ thuật…). Do đó, nội dung này cần được thực hiện sau cùng, đề cập sau cùng để đảm bảo tích hợp được đầy đủ các yêu cầu của các định hướng phát triển quốc gia.
Về Tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng: Các giải pháp tổ chức không gian phát triển theo 06 vùng với các định hướng phân các vùng có quy mô lớn, duy trì khoảng cách hợp lý giữa các địa phương, sẽ từng bước tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng. Tuy nhiên, xét các điều kiện khá tốt (so với các vùng khác) về hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư cho Vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn 2011-2020 và sự tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao của vùng, do đó, nên cân nhắc đặt các chỉ tiêu phát triển cao hơn cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Về Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia: PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng cho rằng, các vùng đô thị (là vùng với nhiều thành phố) của một quốc gia có thể tạo ra lợi ích hay động lực ở mức độ lớn hơn từng thành phố, thu hút không chỉ dân số nông thôn mà cả dân số từ các thành phố nhỏ khác. Ưu thế của một vùng đô thị có thể được đo lường bằng sản lượng, sự giàu có và đặc biệt là tỷ lệ dân số so với dân số quốc gia.
PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng đưa ra dẫn chứng về quy hoạch ở một số nước trên thế giới. Ví dụ như vùng Manila có 20 triệu dân (chiếm 20% dân số quốc gia) khiến nó trở thành một động lực lớn của quốc gia. Vùng Seoul là một vùng đô thị với ưu thế đặc biệt lớn, nó là nơi cư trú của 50% dân số Hàn Quốc. Vùng Busan-Ulsan (8 triệu chiếm 15% dân số quốc gia) và vùng Osaka (18 triệu, 14%) cũng đã và đang thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tạo tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Hàn Quốc và Nhật Bản (UNFPA, 2018).
Trong bối cảnh tăng trưởng về hạ tầng và công nghiệp mới chỉ tập trung ở 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông nam bộ và sự hữu hạn về nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, Định hướng phân bố các vùng đô thị lớn chỉ nên đặt ưu tiên cho vùng Tp.Hồ Chí Minh và vùng đô thị Hà Nội. Khi hai vùng đô thị này thực sự tăng trưởng sẽ kéo theo sự tăng trưởng cân bẳng ở hai đầu đất nước và tạo xung lực đến các vùng còn lại (bao gồm cả đô thị và nông thôn) trong tương lai.
Quá trình đô thị hoá và việc hình thành các vùng đô thị đều mang tính khách quan. Cần tiếp tục có định hướng và quy định cụ thể hơn để hạn chế việc mở rộng đô thị một cách duy ý chí, gây lãng phí đất đai và nguồn lực đầu tư hạ tầng. Các khu vực nông thôn cũng cần bổ sung quy định không được định cư tràn lan dọc theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện gây cản trở giao thông mà phải tụ cư thành các khu, điểm dân cư nông thôn tập trung, để giữ đất trống cho sản xuất nông nghiệp, hành lang sinh thái, thoát nước.
Đẩy mạnh việc tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học
Về Định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội: PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng cho rằng, cần có định hướng cụ thể hơn để nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất ở cả 3 cấp độ (giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) để đạt được mục tiêu cung cấp đủ lực lượng lao động có chất lượng cho quá trình công nghiệp hoá. Theo đó, cần nâng cao chất lượng dạy học ở cấp phổ thông; đẩy mạnh việc tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học thực sự trở thành đại học tổng hợp, đa ngành; đa dạng hoá ngành học ở các trường dạy nghề. Từng bước củng cố nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của hệ thống bệnh viện hiện có. Xác định đúng chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hoá y tế để tăng thêm số lượng và chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Về Định hướng phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật: Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật luôn rất tốn kém và không tạo ra lợi nhuận ngay cho nền kinh tế. Cần đánh giá kỹ khả năng huy động nguồn lực, khả năng giải ngân, năng lực của nguồn lao động để tiếp tục cân nhắc tránh đầu tư dàn đều mà tập trung vào Hành lang kinh tế Bắc - Nam: bao gồm đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A.
PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được nghiên cứu rất công phu, bài bản và có hệ thống, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan và tham khảo các kinh nghiệm quốc tế. Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng đánh giá rất cao các kết quả nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch và dự thảo Nghị quyết; đồng thời cho rằng, những ý kiến, đề xuất của mình sẽ góp phần để các cấp có thẩm quyền tiếp tục cân nhắc nhằm nâng cao tính khả thi của Quy hoạch trong bối cảnh các biến động khó lường của kinh tế thế giới và các giới hạn về nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ và tài nguyên mà đất nước chúng ta đang có và có thể có./.