ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HỒ CHÍ MINH SẼ TIẾP XÚC CỬ TRI NGOÀI ĐỊA BÀN ỨNG CỬ NHIỀU HƠN
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM phát biểu tại buổi giám sát
Báo cáo với Đoàn làm việc, bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng y tế quận 8 cho biết, trong đại dịch Covid-19, UBND quận đã kịp thời huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch; hỗ trợ người lao động, người dân còn khó khăn.
Về tài chính, an sinh xã hội, quận đã chủ động tạm ứng, bố trí kinh phí khoảng 642 tỷ đồng hỗ trợ người dân (trong đó, năm 2020 là 34,4 tỷ đồng, năm 2021 là 567 tỷ đồng và năm 2022 là 40,4 tỷ đồng). Về tình hình huy động ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch, kinh phí năm 2020 là 92 tỷ đồng, năm 2021 là 722 tỷ đồng và 2022 là 35 tỷ đồng. Quận 8 không mua kit test Việt Á.
Thông tin về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bác sĩ Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm y tế quận 8 cho rằng, đa số cơ sở vật chất của các trạm y tế trên địa bàn quận đã xuống cấp (khoảng 11/14 phường).
Trong năm 2022, số nhân sự của trung tâm y tế quận xin nghỉ việc là 5 người, trong đó 1 dược sĩ, 1 bác sĩ, 1 hộ sinh và 2 y sĩ. Bên cạnh đó, để kịp thời bổ sung nhân sự cho các trạm y tế, trung tâm đã được Sở Y tế phê duyệt kế hoạch tuyển viên chức và tuyển được 45 trường hợp.
Mặc dù Trạm y tế là nơi tổ chức nhiều chương trình sức khỏe cho người dân nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trạm có diện tích rất nhỏ, cơ sở vật chất xuống cấp, nằm ở khu dân cư đông đúc, không có chỗ đậu xe,… rất bất tiện cho việc tổ chức các buổi tiêm chủng mở rộng.
Bà Cấn Thị Như Vy, Trưởng Trạm y tế phường 7, quận 8 cho rằng, trạm chỉ có 7 người đang chăm sóc sức khỏe cho khoảng 40.000 người. Từ suốt đợt dịch đến nay, chỉ có 7 anh em cùng nhau chiến đấu, làm việc và đoàn kết chia sẻ khối lượng công việc khổng lồ.
Tuy nhiên, hiện phường có 2 y sĩ muốn học lên nâng cao trình độ tay nghề thì hiện không có cơ sở đào tạo công lập nào nhận, chỉ có trường tư mà giá học phí thì rất cao.
“Lực lượng y sĩ là lực lượng rất quan trọng, nếu dịch xảy ra thì bác sĩ đi vào các khu cách ly chỉ có y sĩ thăm khám, tư vấn, vì vậy rất cần có chế độ, chính sách đãi ngộ với các y sĩ”, bà Cấn Thị Như Vy kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng Trạm y tế phường 8, quận 8 cho rằng, trạm y tế phường đã được xây dựng 10 năm và đang có phương hướng cải tạo. Về cơ sở vật chất, trạm tương đối đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tình hình nhân sự của trạm có sự biến động từ 9 nhân sự vào năm 2018 đến nay chỉ còn 6 nhân sự, số lượng nhân sự giảm đồng nghĩa với việc nhân viên phải phụ trách thêm nhiều chương trình.
“Các bác sĩ cũng mong muốn được học tập nâng cao tay nghề, tuy nhiên với số lượng nhân sự hiện có, việc học hỏi nâng cao tay nghề là điều khó có thể”, ông Lê Mạnh Cường thông tin và mong muốn bổ sung nhân sự để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết, ghi nhận sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân quận 8. Đoàn yêu cầu UBND quận 8 rà soát lại các chính sách của Chính phủ, Tp.HCM đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai tất cả các chính sách này cho người dân, không bỏ sót.
Tiếp tục huy động nguồn lực chăm lo cho các đối tượng cần hỗ trợ sau dịch như: trẻ mồ côi, hộ nghèo, cận nghèo, người dân chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố, đặc biệt là Sở Y tế để tập trung cho đầu tư công trên địa bàn, cũng như chuyển đổi cơ quan quản lý đối với Trung tâm y tế về quận, huyện. UBND quận cần rà soát, kiến nghị cho công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của quận, các chế độ chính sách cho đội ngũ y tế.