TS. TRẦN VĂN DUY: TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

06/12/2022

Đánh giá cao vai trò cũng như sự cần thiết tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương, TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, cần nhận diện rõ các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này.

TỔNG THUẬT SÁNG 27/9: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

Hoạt dộng giám sát của Quốc hội ngày càng được đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực

 Tài sản công là nguồn lực nội sinh của đất nước, góp phần quan trọng vào quá trình sản xuất cũng như quản lý xã hội, cung cấp nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả tài sản công đều do Nhà nước là chủ sở hữu, và Nhà nước giao quản lý trực tiếp sử dụng tài sản cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Tài sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và tài sản khác gắn liền với đất;…

Giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan nhà nước ở trung ương là một hình thức hoạt động của Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thông qua các hình thức giám sát cụ thể được nêu trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, đối tượng được giám sát là hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương trong lĩnh vực quản lý tài sản công.

Giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan nhà nước ở trung ương, nhằm theo dõi, xem xét đánh giá, kiến nghị để các cơ quan nhà nước ở trung ương tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, trong quản lý tài sản công. Đồng thời, không chỉ xem xét việc chấp hành các văn bản do Quốc hội ban hành trong quản lý tài sản công của các cơ quan nhà nước ở tủng ương, thông qua giám sát, Quốc hội còn có thể bày tỏ thái độ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương bằng các hình thức thực hiện chức năng giám sát khác nhau, ở các mức độ khác nhau.

Thời gian vừa qua, Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;... Tuy nhiên, trong nội  dung cũng như phương thức giám sát vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Theo TS. Trần Văn Duy việc nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương công lập là cần thiết. Bởi vì, tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương chiếm một tỷ trọng và giá trị rất lớn là tiền đề, là yếu tố vật chất để Nhà nước có thể tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra. Thực tế chỉ ra rằng tài sản công phản ánh sức mạnh kinh tế của đất nước. Tuy nhiên tài sản công không phải là vô hạn vì vậy đaoói với một quốc gia việc giám sát của Quốc  hội, tạo lập, khai thác và sử dụng tài sản công một cách có hiệu quả là đòi hỏi cần thiết là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước ở mọi quốc gia góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, giám sát của Quốc hội tốt đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương sẽ đảm bảo việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao qua đó thể hiện được trình độ hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Do tài sản công hình thành chủ yếu từ nguồn chi tiêu công, do vậy việc sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mọi cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, việc giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương hiệu quả, tiết kiệm sẽ góp phần nâng cao uy tín của Nhà nước cũng như các cán bộ công chức nhà nước. Mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Qua đó, cũng cố niềm tin, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của mọi công dân.

Đánh giá cao vai trò cũng như sự cần thiết tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương, TS. Trần Văn Duy cho rằng, cần nhận diện rõ các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này. Trong đó, cần lưu ý nhóm nhân tố từ hệ thống giám sát của Quốc Hội; Nhóm các nhân tố từ đối tượng giám sát của Quốc Hội; Nhóm các nhân tố khách quan từ hệ thống giám sát của Quốc Hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương;...

Trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ, giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giám sát của Quốc hội đối với sử dụng tài sản công. Hệ thống chính sách tốt, phù hợp với thực tế sẽ đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc sử dụng tài sản công.

Ngược lại nếu chính sách không phù hợp dẫn đến sử dụng tài sản công lãng phí, không khai thác được nguồn lực từ tài sản công để phát triển đất nước cũng như gây ra nhiều hậu quả cho xã hội như lợi dụng chính sách để tham ô, langx phí, sử dụng tài sản công vào việc riêng…  Bên cạnh đó, là năng lực của cán bộ công chức làm công tác giám sát đối với tài sản công ở cơ quan nhà nước ở trung ương. Trong trường hợp chính sách tốt nhưng công tác thực hiện không tốt sẽ làm giảm hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với sử dụng tài sản công.

TS. Trần Văn Duy cũng lưu ý, đối tượng của hệ thống giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở trung ương là các cơ quan hành chính và các cán bộ công chức trực tiếp giám sát của Quốc hội đối với sử dụng tài sản. Đây là một hệ thống cực kỳ phức tạp với trình độ, năng lực, phẩm chất, nhu cầu và cách ứng xử khác nhau và do đó các phản ứng với các quyết định giám sát của Quốc hội đối với cơ quan nhà nước ở trung ương cũng rất khác nhau.

Trình độ, hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức trực tiếp giám sát của Quốc hội đối với sử dụng tài sản cũng quyết định tới hành vi ứng xử đối với các quyết định giám sát của Quốc hội. Nếu ý thức tuân thủ pháp luật chính sách của cán bộ công chức trực tiếp giám sát của Quốc hội đối với sử dụng tài sản công được nâng cao sẽ góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả cơ chế giám sát của Quốc hội…./.

Lê Anh