CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM LÀM VIỆC TẠI ĐIỆN BIÊN

01/12/2022

Ngày 30/11 - 01/12, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Điện Biên về kết quả thực hiện một số chính sách giáo dục và đào tạo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN).

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TẠI SÓC TRĂNG


 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Điện Biên

Báo cáo với Đoàn khảo sát, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, từ năm 2019 - 2022, tỉnh đã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS và MN. Số học sinh dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục là 84,4%; học sinh nữ DTTS chiếm 40,2%. Mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 72 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, 60 trường phổ dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở trung học cơ sở, 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch số 831/KH- UBND ngày 29.3.2021 về việc thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, Sở đều ban hành văn bản triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên. Năm học 2022-2023, tỉnh còn tổ chức dạy tiếng DTTS cho học sinh cấp tiểu học. Cụ thể, dạy tiếng Thái tại 17 trường, 56 lớp; dạy tiếng Mông tại 10 trường với 47 lớp.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trao tặng 300 triệu đồng thực hiện Chương trình an sinh xã hội cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, khó khăn của Điện Biên là, đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên một số môn chuyên biệt (thiếu cả về nguồn tuyển). Lãnh đạo tỉnh Điện Biên nêu rõ, điều kiện làm việc, đời sống của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô; một số cơ sở giáo dục số lượng học sinh bán trú cao, nhưng số phòng ở nội trú, bán trú còn thiếu. Một số công trình phụ trợ: bếp nấu, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch…còn thiếu, đã xuống cấp gây khó khăn trong công tác giảng dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.

Đáng lưu ý, lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, điều kiện kinh tế của đa số nhân dân các dân tộc trên địa bàn các xã biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nên vẫn còn tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng để tham gia lao động phụ giúp gia đình…

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của UBND tỉnh Điện Biên trong thực hiện một số chính sách giáo dục vùng DTTS và MN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đặc biệt chú ý đến điểm sáng của tỉnh trong thực hiện sớm các mục tiêu đề ra tại Đề án 1299 của Thủ tướng Chính phủ “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, tỉnh đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong ứng xử văn hóa của học sinh, bảo đảm các giải pháp giáo dục ngôn ngữ, dân số, sức khỏe sinh sản, giới tính cho trẻ em và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, so với mặt bằng chung của cả nước, Điện Biên hiện vẫn đang là một trong các tỉnh khó khăn nhất, có 7 huyện nghèo - nhiều nhất cả nước; với 94/126 xã khu vực III, 897/954 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 75,4%; tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số mới đạt gần 50%, trong khi tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chiếm hơn 80%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,9%, cao nhất cả nước. Do vậy, yêu cầu và thách thức đặt ra đối với Điện Biên là phải nỗ lực hơn để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn nói chung và giáo dục, đào tạo với đối tượng học sinh DTTS và MN nói riêng.


Hội đồng Dân tộc phối hợp với Vietcombank trao tặng tỉnh Điện Biên 300 triệu đồng thực hiện Chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh

+ Trước đó, Đoàn đã khảo sát, làm việc với UBND huyện Điện Biên; thăm, làm việc, tặng quà cho Trường Tiểu học, THCS bán trú xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)