TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: XÂY DỰNG CƠ CHẾ PHỐI HỢP, RÕ ĐẦU MỐI, RÕ NHIỆM VỤ

28/11/2022

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị cần thiết kế nội dung về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng xây dựng cơ chế phối hợp, rõ đầu mối, rõ nhiệm vụ.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Quan tâm đến nội dung về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại chương IV của Dự luật, đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế cho thấy hoạt động của các Hội bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là về vấn đề thiếu kinh phí, nguồn lực và phương thức để đảm bảo các hoạt động cơ bản của hội. Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp thực hiện để cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng chung sức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như sự phối hợp của các cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là các bộ, ngành quản lý nhiều hàng hóa, dịch vụ đặc thù như là ngành dược, thực phẩm, sản phẩm nông, lâm nghiệp, dịch vụ luật sư, tư vấn xây dựng, v.v., cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 49 quy định hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại khoản 1 điểm c quy định "đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật hoặc tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì lợi ích công cộng”. Quyền và trách nhiệm tự mình khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết, ngày nay quan trọng theo sự phát triển về thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để nâng cao và làm rõ quyền, trách nhiệm tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, đại biểu đề nghị ở Điều 49 khoản 1 điểm c chia ra làm 2 điểm riêng biệt: Thứ nhất, Đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật. Thứ hai là tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vì lợi ích công cộng.

Đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng

Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng cho biết, nội dung tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong Dự thảo luật tại khoản 3 Điều 2 và các Điều 48, 49, 50, 51 và 52. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về nội dung này. Hiện tại ở nước ta có rất nhiều tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp ở các cấp khác nhau và hiện nay qua thống kê sơ bộ có khoảng hơn 100 hội khác nhau, riêng Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng đã có 56 Hội. Trong trường hợp nếu các tổ chức xã hội này đều được tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là thành viên của mình hay bảo vệ trật tự công cộng nói chung theo quy định của dự thảo luật thì có thể sẽ làm cho các tranh chấp trong xã hội tăng lên, chưa kể là làm cho việc sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế, chúng ta thấy trong một quan hệ giao dịch dân sự thì quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại.

Do đó, nếu như chúng ta chỉ bảo vệ một chủ thể này mà lại không tính toán đến quyền lợi của các chủ thể khác thì dẫn tới ảnh hưởng đến giao dịch công bằng giữa các chủ thể với nhau. Vì vậy đề nghị các tổ chức xã hội có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là thành viên của mình thì mới tham gia bảo vệ quyền lợi như Hội Người cao tuổi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Người khuyết tật hay Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin hoặc các hội có chức năng chuyên sâu về bảo vệ quyền lợi của công dân như Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, v.v.. Những chủ thể này sẽ có khả năng, có điều kiện và trách nhiệm xã hội để thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của thành viên của mình mà cũng không phải tất cả các hội, hơn nữa hiện nay chúng ta cũng chưa ban hành Luật Hội cho nên theo quan điểm của tôi cần phải cân đối nội dung này.

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nước ngoài có liên quan thì được hoặc phải tham gia các quan hệ liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là phù hợp với thực tế và giao dịch mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực tế hiện nay. Tuy nhiên trong Dự thảo luật thì lại quy định tại Điều 54 về hợp tác quốc tế và trong giải quyết tranh chấp đối với người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân nước ngoài theo quy định ở Điều 54 như vậy và vị trí kết cấu của Điều 54 trong hợp tác quốc tế như vậy thì chưa phù hợp. Bởi vì, ở trong nội dung này chưa xác định được cụ thể các nguyên tắc chung khi có xung đột về pháp luật, bởi trong giao dịch dân sự liên quan đến nội dung này cũng chưa xác định nguyên tắc cụ thể của giao dịch dân sự.

Hơn nữa, trong kết cấu chung của các văn bản luật nói chung thì đối với các hoạt động liên quan đến dẫn chiếu quy phạm pháp luật nước ngoài và các điều quốc tế, v.v. thường kết cấu ở các điều luật đầu tiên. Để dễ thực hiện, đại biểu đề xuất có thể sẽ bổ sung nghiên cứu và chuyển Điều 54 để về sau Điều 7, về nguyên tắc của luật để phù hợp với kết cấu chung về thông lệ, để khi điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để phù hợp với thực tế áp dụng hơn.

Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, một số đại biểu cho biết Điều Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, đây là áp dụng cho cả Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Nếu như vậy, chỉ quy định ở điều này là chưa phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, tại báo cáo tổng kết thi hành luật kèm theo hồ sơ của Dự án luật, đại biểu nhận thấy mới chỉ tổng kết việc thi hành trách nghiệm này đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện mà chưa đề cập đến việc thực thi nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã. Chính vì vậy đại biểu đề nghị cần phải rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi của quy định trên thực tế.

Một số đại biểu cũng đề nghị tách ra thành một điều riêng quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội và quy định cụ thể là tham gia tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tham gia các bước giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh khi người bị hại là thành viên của tổ chức mình. Thực hiện giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc giám sát trực tiếp những vụ việc được cử tri và Nhân dân quan tâm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Minh Hùng