CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI GIA LAI
Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc thăm trường Tiểu học Hồng Thượng, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế
Tham gia Đoàn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 3.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”(Đề án 1299) tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tình hình triển khai và kết quả thực hiện các giải pháp tiếp cận công bằng giáo dục cho trẻ em gái người dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh; Tình hình triển khai và kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; Tác động của đại dịch Covid -19 đối với học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, không học tiếp trung học phổ thông, đi lao động tự do trái phép qua biên giới.
Báo cáo cho thấy, những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, diện mạo giáo dục miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số là học sinh dân tộc trên địa bàn với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp cho các cơ sở trường học tại hai huyện Nam Đông và A Lưới (2 huyện có đông học sinh dân tộc thiểu số), đặc biệt là các trường vùng bản.
Về mạng lưới trường lớp và quy mô học sinh, hiện nay toàn tỉnh có 28.832 học sinh dân tộc thiểu số và miền núi; có 96 trường và 32 điểm trường lẻ có học sinh dân tộc thiểu số và miền núi ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông, trong đó có 4 trường trung học phổ thông, có 2 trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 1 trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 2 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, 2 trung tâm học tập cộng đồng và các Trung tâm giáo dục thường xuyên khác. Bậc mầm non có 31 trường thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cấp tiểu học có 30 trường có học sinh dân tộc thiểu số, trong đó có 28 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh, HĐND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tăng cường hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất, sự quan tâm chỉ đạo, vận dụng các chế độ chính sách ưu tiên cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để góp phần cải thiện điều kiện sống cho trẻ em dân tộc thiểu số; huy động trẻ em dân tộc thiểu số đi học đạt tỷ lệ cao; tăng cường các biện pháp, giải pháp giáo dục để giúp trẻ em dân tộc thiểu số hòa nhập tốt vào môi trường tiếng Việt.
Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc làm việc tại Thừa Thiên Huế
Mặc dù diện mạo giáo dục miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, vẫn còn sự cách biệt đáng kể giữa chất lượng giáo dục miền núi với vùng đồng bằng, đô thị. Điều đó đòi hỏi trong thời gian đến cần có thêm những cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực, tạo đột phá hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Đáng lưu ý, việc phân bố mạng lưới trường học hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và địa bàn dân cư quá rộng, phân tán nên có một số trường xa điểm dân cư dẫn đến việc đi lại khó khăn nhất là trong mùa mưa, bão.
Trước thực tế nêu trên, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Phước Mỹ bày tỏ mong muốn, Hội đồng Dân tộc tiếp tục quan tâm kiến nghị những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho các trường học vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số chính sách đã ban hành nhưng không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay…
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cũng chia sẻ với tỉnh Thừa Thiên Huế khi thực hiện công tác giáo dục, đào tạo trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid - 19, nhất là tại một số huyện biên giới.
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đợt khảo sát lần này nhằm đánh giá một cách khách quan tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo (tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật) đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tới đây, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc mong muốn, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng, đối với học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở nói chung.
Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là chế độ, chính sách đối với giáo viên và nhân viên hỗ trợ học sinh nội trú, tổng hợp và báo cáo lên Quốc hội để có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong những năm tiếp theo.
+ Trước đó, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới; thăm và tặng quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số tại trường Tiểu học Hồng Thượng, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.