ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT TẠI SA PA, LÀO CAI
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp
Tham dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành liên quan cùng các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5, các thành viên Ủy ban luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, từ công tác lập pháp đến giám sát, khảo sát, qua đó có những kiến nghị sát thực, hiệu quả cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục - đào tạo, thanh niên và trẻ em.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách; Báo cáo kết quả hoạt động từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV và dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban; và một số báo cáo khảo sát, giám sát.
Tích cực thực hiện các mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách
Nhìn chung, trong 3 tháng cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục - đào tạo, thanh niên và trẻ em trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Nhiều hội thảo lớn về văn hóa được tổ chức, tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sỹ, các chuyên gia, nhà khoa khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách tham gia đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa theo tinh thần Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; qua đó, tiếp tục lan tỏa, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa, cũng như ở các địa phương. Nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa được nghiên cứu và đề xuất, tổ chức thực hiện.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức sôi động trên cả nước, góp phần bảo đảm nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ngành thể thao tập trung các điều kiện để tham dự SEA Games 32, ASIAD 19, vòng loại Olympics và các sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2023. Sau một năm mở cửa, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước hồi phục và phát triển. Trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam tăng cao, cho thấy những tín hiệu tích cực. Nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, kết nối giao thương… đã được tổ chức, thu hút đông đảo tổ chức, doanh nghiệp, đối tác quốc tế, khách tham quan.
Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để phân tích xu hướng thông tin, kịp thời định hướng, chấn chỉnh những vấn đề phát sinh trong hoạt động báo chí và truyền thông. Công tác thanh tra, kiểm tra thông tin trên không gian mạng được tăng cường. Công tác thanh niên, trẻ em được quan tâm; chủ động thực hiện giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn, thương tích...
Tập trung hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa
Tuy vậy, các ý kiến cũng chỉ ra, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, việc huy động các nguồn lực đầu tư cũng như quản lý, khai thác, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế. Quản lý hoạt động văn hóa trên không gian mạng, nhất là với phát ngôn, chia sẻ của các nghệ sĩ chưa theo kịp yêu cầu và sự đa dạng của thực tiễn. Năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chưa cao, doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn ở nhóm thấp trong khu vực về đón khách quốc tế...
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế kiểm soát cũng như điều kiện về công nghệ. Doanh thu báo chí gặp nhiều khó khăn, sụt giảm nghiêm trọng do sự phát triển của công nghệ số; sự phát triển của truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giáo dục phổ thông tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi nguồn tuyển dụng còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục phổ thông thấp so với nhu cầu thực tế. Ở một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đầy đủ, đồng bộ…
Các đại biểu tại Phiên họp
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung triển khai Nghị quyết 572/ NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa được đưa ra tại Hội thảo Văn hóa 2022; khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa bảo đảm tiến độ, chất lượng...
Trong lĩnh vực du lịch, đề nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trờ thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch số 09/2017/QH14; kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch. Đẩy nhanh tiến độ ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với lĩnh vực giáo dục, cần tổng kết toàn diện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội; phát huy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới cho phù hợp; quan tâm ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian qua những chuyển biến về văn hóa, xã hội rất rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh mới nhiều khó khăn nhưng các Bộ, ngành đã rất nỗ lực, thích ứng được. Hiện ngành văn hóa đang nhận được sự ủng hộ rất lớn và được cho chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Cho rằng kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục mặc dù đã được ưu tiên, nhưng thực tế chưa đủ. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục luôn kiến nghị tăng ngân sách cho các lĩnh vực này, tuy đã được đáp ứng một phần, nhưng vẫn cần có các chính sách xã hội hóa cụ thể. Do vậy, đề nghị các bộ ngành hết sức lưu ý, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa phải làm kỹ, bài bản, sát thực tế để khi triển khai thuận lợi trong thực tế.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa tại phiên họp
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ tại Phiên họp
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương tại Phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng tại Phiên họp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Phiên họp
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy
Các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung triển khai Nghị quyết 572/ NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV
Đồng thời, đề nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trờ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Các đại biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian qua những chuyển biến về văn hóa, xã hội rất rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh mới nhiều khó khăn nhưng các Bộ, ngành đã rất nỗ lực, thích ứng được. Hiện ngành văn hóa đang nhận được sự ủng hộ rất lớn và được cho chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa