THẢO LUẬN TỔ 2: CHÍNH PHỦ CẦN CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ THÁO GỠ NHỮNG BẤT CẬP TRONG HỆ THỐNG Y TẾ NƯỚC TA HIỆN NAY

22/10/2022

Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến thảo luận tại Tổ 2 đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc trong hệ thống y tế nước ta, đồng thời tìm ra những giải pháp căn cơ để tháo gỡ những bất cập lâu nay tồn tại.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 2.

Tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh chủ trì nội dung thảo luận tổ. Các Tổ phó gồm: Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Văn Thị Bạch Tuyết; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Hà Phước Thắng.

Thảo luận tại Tổ 2, đa số các đại biểu đồng tình, đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và nhấn mạnh, năm 2022 nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 8%, trong khi đó, kế hoạch đề ra là 6%-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Điều quan trọng hơn là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đương đầu thì cả thế giới hiện nay cũng đang gặp phải, xuất hiện rất nhiều yếu tố vừa bất định vừa bất ngờ vừa bất ổn và rất bất thường trước những yếu tố của thế giới.

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), vấn đề về xung đột Nga - Ukraine cũng tiếp tục kéo dài, tình hình lạm phát về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu của thế giới đều biến động bất thường. Đặc biệt là vấn đề tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến hệ thống tiền tệ của thế giới, cũng như biến động tỷ giá với các đồng ngoại tệ. Khi cơn sóng lạm phát toàn cầu nổi lên cao nhất trong vòng 40 năm qua, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo mới nhất về dự báo nền kinh tế toàn cầu đang từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và dự báo năm 2023 sẽ còn 2,7, lạm phát toàn cầu cũng được dự báo vào khoảng 8,8% và sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2023. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, xung đột Nga và Ucraina sẽ tiếp tục kéo dài cũng như khủng hoảng năng lượng châu Âu cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên vật liệu, tình hình bất ổn chính trị xảy ra ở một số nơi cũng gây cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu cũng như dòng vốn đầu tư quốc tế; biến đổi khí hậu thì phức tạp tác động đến sức khỏe của con người và làm cho suy thoát kinh tế thế giới gia tăng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận thấy, trước ảnh hưởng của tình hình thế giới, Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, đó là nỗ lực đáng trân trọng và là động lực để chúng ta tiép tục phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra; hoàn thành kế hoạch kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Như chúng ta thấy thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 94%, ước cả năm sẽ tăng tới 14,3% so với dự toán; Thành phố Hồ Chí Minh ước thu ngân sách cả năm 2022 sẽ khoảng hơn 426 nghìn tỷ đồng, là con số cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với dự toán. Đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố, đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay là 585 tỷ đô la, xuất siêu là 7,24 tỷ đô la, là con số rất cao so với cùng kỳ, trong khi vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tiếp tục gia tăng. Theo đại biểu, dù tình trạng nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu của chúng ta đang ở mức thấp nhưng diễn biến trong thời gian tới lại xuất hiện nhiều yếu tố rất quan ngại, điều đó cũng chính là cơ sở cho các tổ chức quốc tế tăng mức tín nhiệm với Việt Nam; quốc phòng an ninh được tăng cường và giữ vững; thể chế tiếp tục hoàn thiện, hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, chúng ta vẫn còn những tồn tại nhất định, với tình hình như bên ngoài hiện nay đang bất ổn khiến chúng ta gặp nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, đề nghị cần quyết liệt hơn trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Thị trường trái phiếu rất quan trọng trong việc huy động nguồn vốn, tuy nhiên phải đảm bảo được thể chế minh bạch, hiệu quả, để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trong việc giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát.

“Chúng ta cũng phải tăng cường xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém để tạo ra hệ thống an ninh tiền tệ chặt chẽ và hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Quan tâm đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đánh giá Báo cáo của Chính phủ vẫn còn thiếu, cần bổ sung một số tình hình an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Hiện có 2 tình trạng: nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt, và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quyết tâm giải quyết bằng cách nào và giải pháp và phân tích nó thì Báo cáo chưa thấy đề cập. Do đó, đại biểu đề nghị Báo cáo cần có sự đào sâu hơn, phải thật sự thấy những vấn đề đang xảy ra hiện nay của hệ thống y tế.

Cho rằng đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm BHYT, về xã hội hóa y tế. “Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả một cách đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để cho người dân được khám chữa bệnh”, đại biểu giải thích thêm.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì không có doanh nghiệp y tế. Trong khi đó, việc thiếu thuốc, quan trọng nhất là do cơ chế, thủ tục, giấy tờ không gia hạn số đăng ký, không cấp mới kịp. Vì thế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phải bổ sung đánh giá nhìn nhận thật sự về thực trạng, từ đó đưa ra được giải pháp. Chính phủ cần đưa ra được cơ chế rút gọn, tránh tình trạng thiếu thuốc. Đồng thời đề nghị phải có giải pháp căn cơ, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Y tế xây dựng giải pháp về chính sách đãi ngộ nhân viên y tế.

Về chính sách đào tạo tuyển dụng, cho rằng có sự lúng túng khi áp dụng xã hội hóa, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có vai trò của Nhà nước điều tiết, hệ thống bệnh viện công lập phải được phát triển xứng đáng thì mới thật sự chăm lo cho an sinh xã hội. nếu hệ thống công lập được đầu tư một cách xứng đáng. Cơ chế nghiên cứu khoa học vẫn theo kiểu bao cấp, tính thực tế và chạy theo bằng cấp chưa giải quyết được, có giải phảp làm sao giải quyết được tồn đọng một cách triệt để.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ 2, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong thời gian qua. Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay vấn đề trang thiết bị y tế, các máy móc cao cấp như CT, MRAI, xạ trị…. ở các bệnh viện công mà hư hỏng thì không thể sửa được. Bệnh nhân có 2 lựa chọn: bệnh nhân có điều kiện thì lựa chọn bệnh viện tư hoặc bệnh nhân không có điều kiện thì tự chịu. Băn khoăn về quyền lợi của người nghèo nằm ở đâu khi xảy ra tình trạng này, đại biểu Nguyễn Trí Thức nhận thấy, đây là vấn đề khẩn thiết, mong các bệnh viện công sớm sửa chữa các thiết bị, máy móc cao cấp bị hư hỏng này vì Tết nguyên đán đang đến gần, số lượng bệnh nhân rất đông và ùn ứ. Bên cạnh đó còn có tình trạng tinh hoa của y học dịch chuyển qua khối bệnh viện tư nhân, do đó dẫn đến sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nêu rõ, vấn đề giải ngân chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành y tế và giáo dục, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số giải pháp để giải quyết các tồn tại đã thấy rõ mà luật pháp không giải quyết được. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trí Thức, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói rõ thêm, sự nghiệp công lập phải làm công tác nghiên cứu khoa học, vì vậy nên có Luật Sự nghiệp công lập.

Về một chỉ tiêu chưa đạt về năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năng suất lao động là nền tảng cho kinh tế phát triển, do đó Báo cáo của Chính phủ nên phân tích kỹ vì sao chỉ tiêu này chưa đạt, trong đó có đầu tư, công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên có điều chỉnh về chỉ tiêu này, quant âm hoàn thiện chỉ tiêu năng suất lao động và có phân tích kỹ hơn.

Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận của Tổ 2:

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh chủ trì nội dung thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nêu rõ, vấn đề giải ngân chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành y tế và giáo dục, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số giải pháp để giải quyết các tồn tại đã thấy rõ mà luật pháp không giải quyết được.

Quan tâm đến bất cập trong ngành y tế hiện nay, đại biểu Nguyễn Trí Thức mong muốn các bệnh viện công sớm sửa chữa các thiết bị, máy móc cao cấp bị hư hỏng này vì Tết nguyên đán đang đến gần, số lượng bệnh nhân rất đông và ùn ứ. Bên cạnh đó còn có tình trạng tinh hoa của y học dịch chuyển qua khối bệnh viện tư nhân, do đó dẫn đến sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý vào dự toán NSNN năm 2023.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người lao động trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực trong quá trình thực thi công vụ quá lớn so với đồng lương được nhận khiến họ không được áp lực mà phải bỏ việc.

 Cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, thu qua hoạt động kinh doanh mạng và kinh doanh thương mại điện tử còn rất thấp, đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh cơ cấu thu.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác