CỬ TRI ĐÁNH GIÁ CAO QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI CHÍNH PHỦ, VÌ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN

19/10/2022

Đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhiều cử tri tin tưởng, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số cử tri và Nhân dân cả nước.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ BUỔI HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

ỦY VIÊN ĐOÀN CHỦ TỊCH UBTW MTTQ VN NGUYỄN TÚC: TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ HƠN NỮA HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Ông Phạm Văn Lưu, cử tri phường Trung Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội

Ông Phạm Văn Lưu, cử tri phường Trung Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho rằng thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Văn Lưu bày vui mừng bởi tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh của người dân như Luật Đất đai (sửa đổi), công tác phòng chống tham nhũng, tình hình trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, Quốc hội ngày càng đổi mới, đặc biệt công tác giám sát đã lựa chọn những vấn đề bức thiết trong thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ vần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, thực tế nhiều người dân vẫn chưa có nhiều kiến thức về luật pháp, nên nhiều luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. “Sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền về các nội dung của luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua thì sẽ có tác dụng hơn trong việc thực thi luật”. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật”, ông Phạm Văn Lưu nêu kiến nghị.

Còn với ông Nguyễn Thành Viễn, Hội viên Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) nêu quan điểm, Kỳ họp Quốc hội lần nào cũng quan trọng, nhưng kỳ họp lần này rất quan trọng, bởi không chỉ quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước mà còn cho ý kiến vào nhiều dự thảo luật quan trọng, đặc biệt là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá, Luật Đấu thầu…. Bên cạnh đó, cử tri cũng quan tâm theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 sẽ giải quyết nhiều vấn đề cử tri và Nhân dân đang gặp khó khăn. “Tôi tin tưởng Kỳ họp thứ 4 sẽ đạt nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và cử tri cả nước, mặc dù thời gian kỳ họp ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng có chất lượng thì sẽ mang lại hiệu quả cao”, ông Nguyễn Thành Viễn nói.

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Luôn dõi theo các hoạt động của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, với ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mấy khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có nhiều đổi mới rất mạnh mẽ. Qua theo dõi, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, công tác lập pháp có nhiều đổi mới, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp, bên cạnh công tác thẩm tra và cho ý kiến theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật và các hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý sâu hơn về các dự thảo luật trình lần đầu và dự kiến thông qua. Điều này góp phần chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến ngày càng được nâng cao, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của pháp luật, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tập hợp những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực, mời những luật sư giỏi góp ý kiến cho Quốc hội trong hoạt động lập pháp; đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ am hiểu luật pháp của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kiến nghị.

 Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Là người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, cũng là một cử tri, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá cao công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiều năm qua, nhất là trong thời gian gần đây đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách và luật trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều biến động cần có khung pháp lý để đảm bảo hoạt động ổn định. Việc Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường vào cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên họp bất thường để thông qua chương trình và các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế đã thể hiện rõ sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ, vì Nhân dân giải quyết những vướng mắc trong thực tế cuộc sống.

 Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua và cho ý kiến về các dự án luật, trong đó có những dự luật thiết yếu và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của Nhân dân như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; … Điều này thể hiện thái độ cọi trọng của Nhà nước ta về việc tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật; đồng thời cụ thể hóa quan điểm của Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với các nội dung của kỳ họp liên quan đến các dự án luật, Luật sư Đặng Thành Chung kỳ vọng các dự án luật mới được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ nhiều “nút thắt” về thể chế và khung khổ pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; và quan trọng hơn cần có nhiều giải pháp để các văn bản luật được Quốc hội ban hành đi vào thực tiễn đời sống, đáp ứng được nhu cầu của người dân - đối tượng chịu tác động của luật./.

Lan Hương