Dự Hội nghị gồm đồng chí Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo sơ bộ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và khẳng định đây là dự thảo Luật vô cùng quan trọng. Sau gần 08 năm tổ chức thi hành cho thấy, Luật Đất đai đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua còn tồn tại, hạn chế về một số mặt. Do vậy, sửa đổi Luật Đất đai nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai và các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất.
Toàn cảnh buổi làm việc
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều. Trong đó, có nhiều nội dung mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, kiến nghị về một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giao đất, cho thuê đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất; công tác hỗ trợ, tái định cư; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý đất đai; giá đất; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về quản lý, sử dụng đất đai.... Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về quản lý, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông, lâm trường. Đồng thời, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các Luật khác như Luật Giá, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Luật Dân sự.
Thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Luật Giá số 11/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2014. Đến nay, Luật Giá và Luật Đấu thầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá, Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành khác. Do vậy, việc sửa đổi các Luật trên là cần thiết. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có 8 chương, 72 điều, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 92 điều.
Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
Các đại biểu tập trung tham gia ý kiến về: hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; vấn đề chỉ định thầu; đối tượng được ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giá; tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; sự cần thiết duy trì quỹ bình ổn giá và quỹ bình ổn xăng dầu; việc điều chỉnh quy định đăng ký hành nghề thẩm định giá….
Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Các ý kiến sẽ được Đoàn tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.