QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 13/10/2022

13/10/2022

"Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội Lào; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm việc với Đoàn Ủy ban Văn hóa- Xã hội Lào; Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh..." là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH trong ngày hôm nay (13/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 12/10/2022

* Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội Lào Thoummaly Vongphachanh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Lào

Tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc thường xuyên tổ chức các đoàn trao đổi kinh nghiệm công tác và tổ chức các hội thảo chuyên đề; gặp làm việc trực tiếp giữa Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của hai Quốc hội đã đưa kết quả hợp tác giữa hai Quốc hội đi vào chiều sâu, hết sức thiết thực; thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa hai Quốc hội Việt Nam - Lào.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỮU NGHỊ, ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT VÀ HỢP TÁC TOÀN DIỆN VỚI QUỐC HỘI LÀO

* Sáng 13/10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Văn hóa- Xã hội Lào do Chủ nhiệm Ủy ban Thoummaly Vongphachanh làm Trưởng đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tặng quà lưu niệm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội Lào Thoummaly Vongphachanh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết trong nhiều năm qua, với mong muốn củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Lào đã có nhiều hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục là các lĩnh vực hai bên cùng phụ trách.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH TIẾP ĐOÀN ỦY BAN VĂN HÓA- XÃ HỘI LÀO

* Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Đoàn Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào Thoummaly Vongphachanh và các đại biểu

Tại cuộc làm việc, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào nhất trí sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ về việc thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm với nhau trong việc hoạt động theo vai trò, phạm vi quyền và nhiệm vụ của mỗi bên và hoạt động khác mà cả hai bên đều quan tâm và thống nhất. Bên cạnh đó, hai bên đồng ý về việc gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm theo điều kiện thực tế; hợp tác lẫn nhau trong hoạt động tại các diễn đàn, tổ chức Nghị viện khu vực và quốc tế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ỦY BAN VĂN HÓA – XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI LÀO

* Tại Phiên họp thứ 16 vừa qua, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện 05 nhiệm vụ cốt lõi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp. Đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025...

Xem nội dung chi tiết tại đây: KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN 5 NHIỆM VỤ CỐT LÕI, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

* Cũng tại Phiên họp thứ 16, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là kỳ họp cuối năm có khối lượng công việc lớn, nhất là về lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 4 là kỳ họp thường kỳ cuối năm, có khối lượng công việc lớn nhất là về công tác lập pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần lan tỏa tinh thần tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 6 ra Kỳ họp Quốc hội, phải có những quyết sách đúng đắn nhất về cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cho những tháng còn lại của năm 2022 và cho năm 2023.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KỲ HỌP THỨ 4 QUỐC HỘI KHÓA XV: TRỌNG TÂM CÔNG TÁC LẬP PHÁP, CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG, LAN TỎA TINH THẦN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6

* Sáng ngày 13/10, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 3, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, ngân sách quốc phòng-an ninh năm 2022 và phương hướng năm 2023.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huỳnh Chiến Thắng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng 9 tháng năm 2022, nhiệm vụ quốc phòng thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023; đại diện Bộ Công an báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, ngân sách an ninh năm 2022, phương hướng nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, ngân sách an ninh năm 2023.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VÀ NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG, AN NINH

* Chiều 13/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến chương trình công tác 2023; việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách năm 2023.

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá trong năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển văn hóa; tập trung, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong quản lý lĩnh vực và phát triển ngành; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các luật trong chương trình năm 2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

* Chiều 13/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp giao ban giữa Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao nỗ lực của các cục, vụ, đơn vị đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn thời gian qua. Về công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội tổ chức thành công Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các Vụ, đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao; tiến hành kiểm tra, rà soát, chạy thử hệ thống kỹ thuật, bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định.

Xem nội dung chi tiết tại đây:TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP GIAO BAN VỚI CÁC VỤ, ĐƠN VỊ CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

* Sáng 13/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu “Pháp luật về Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị” tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài. 

Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài “Pháp luật về Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị”

Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong quy định pháp luật, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, Đề tài nghiên cứu có tính thời sự, rất có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN

* Tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác này.

Thông qua giám sát, kết quả bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP). Cụ thể: Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu liên quan đến THTK,CLP, qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, trong tổ chức thực hiện.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI: TẠO CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU VỀ NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

* Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một Dự án Luật quan trọng, là trọng tâm nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, luật sư liên quan đến Dự án Luật đặc biệt quan trọng này:

Luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu

- Luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này còn phải bổ sung thêm một số nguyên tắc, một số nội dung cho sát với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi của đạo luật. Cụ thể, dự thảo Luật cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi thu hồi đất để xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và phục vụ cho Quốc phòng, an ninh. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ LÊ VĂN THIỆP: PHẢI CÓ QUY ĐỊNH ĐỂ ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG TRONG VIỆC TIẾP CẬN, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng tới sự đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai; quy định về việc minh bạch hóa trong giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của đất nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ TRẦN TUẤN ANH: MINH BẠCH HÓA TRONG GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT VÀ CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

* Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây. Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho rằng, đây là bộ luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho rằng, quá trình xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cần bảo đảm tạo được khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: THIẾU TÁ PHAN HỮU MẠNH: XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ TẠO CƠ SỞ BẢO ĐẢM CUỘC SỐNG BÌNH YÊN CHO NHÂN DÂN

* Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Để hoàn thiện dự án Luật, Chính phủ đã khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Chính phủ đã hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật HTX năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Xem nội dung chi tiết tại đây: DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): BỔ SUNG, HOÀN THIỆN NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI TRÊN CƠ SỞ TIẾP THU TỐI ĐA Ý KIẾN CỦA UBTVQH

* Sáng 13/10, tại Nhà Quốc hội, Chi bộ Dân tộc thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã tiến hành Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025. 

Đại hội đã tiến hành bầu Chi ủy Chi bộ Vụ Dân tộc nhiệm kỳ 2022 – 2025 gồm 5 đồng chí: đồng chí Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Sa Văn Khiêm, Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội làm Phó Bí thư Chi bộ; các đồng chí Phan Văn Cương, Lỳ Ly Na, Nguyễn Tiến Thành làm Chi ủy viên. Đồng thời, với 100% đảng viên tham gia biểu quyết nhất trí, Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội Chi bộ Dân tộc nhiệm kỳ 2022-2025.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẠI HỘI CHI BỘ DÂN TỘC NHIỆM KỲ 2022 - 2025: ĐOÀN KẾT, DÂN CHỦ, SÁNG TẠO, QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI

* Trong ngày hôm nay (13/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri, hội nghị lấy ý kiến và nhiều hoạt động thiết thực khác để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới:

- Sáng ngày 13/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh chủ trì hội nghị. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giao dịch điện tử theo luật hiện hành.

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

- Sáng 13/10, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lý Thị Lan yêu cầu Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, cấp liên quan thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

- Sáng 13/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị khảo sát, nghe một số cơ quan báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và một số chuyên đề Quốc hội sẽ thảo luận trong kỳ họp sắp tới như Luật Đầu tư công; hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng giữa vùng miền, khu vực còn chênh lệch cao; bất cập về thu phí, công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số dự án BOT...

- Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền, các chức sắc tôn giáo và cán bộ quản lý, nhân viên y tế, cán bộ, sinh viên ngành y tại thành phố Cần Thơ trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá,... Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ

- Ngày 13/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan hữu quan tỉnh Quảng Ninh trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã nghe lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy Ban MTTQ tỉnh và đại diện một số sở, ngành phát biểu, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tình hình của tỉnh về một số nội dung như: Việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội; chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa...

- Ngày13/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức làm việc với UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, tập trung giải quyết các kiến nghị cử tri, nhất là các kiến nghị kéo dài về dự án Quốc lộ 1A, dự án Thuỷ điện Bản Vẽ, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

- Ngày 13/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu đã trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng và TP Đà Lạt. Dịp này, Đoàn đã trao 80 xe đạp cho 80 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các trường: THCS Đa Nhim (Lạc Dương), THCS Nguyễn Đình Chiểu (Đà Lạt), THCS Ka Đơn (Đơn Dương), THCS Sơn Trung (Đức Trọng), mỗi trường 20 chiếc. Tại các điểm đến trao tặng xe đạp, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã ân cần thăm hỏi và động viên các cháu học sinh cố gắng vượt khó trở thành con ngoan trò giỏi và đạt nhiều thành tích cao trong lao học tập. 

Minh Hùng