UBTVQH SẼ CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO TỔNG KẾT VIỆC THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM TẠI PHIÊN HỌP THỨ 16

09/10/2022

Để làm sáng tỏ những thuận lợi, khó khăn, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, đưa ra những giải pháp, chủ trương đúng đắn, kịp thời phát triển Tp.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, tại Phiên họp thứ 16 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Tp.Hồ Chí Minh.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Cần hành lang pháp lý linh hoạt để phát triển Tp.Hồ Chí Minh nhanh và bền vững

“Chấm điểm” việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14

Tp.Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Chính vì lẽ đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 16 năm 2012 và Kết luận 21 năm 2017, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh. Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022, trao một số cơ chế đặc thù cho Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Nghị quyết 54 sau khi được ban hành đã mang đến nhiều kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Thành phố.

Cơ chế đặc thù đặt ra trong bối cảnh từng bước hoàn thiện thể chế, Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện thể chế như xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các quy định còn chậm hơn so với yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố. Cơ chế đặc thù là hướng đến hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để giải phóng nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.Hồ Chí Minh lần thứ XI; đủ lực để làm đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trước tình hình có nhiều thay đổi, để làm sáng tỏ những thuận lợi, khó khăn trong hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện cơ chế đặc thù, đưa ra những giải pháp, chủ trương đúng đắn, kịp thời phát triển Tp.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, tại Phiên họp thứ 16 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Tp.Hồ Chí Minh.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14

Trước đó, ngày 07/7, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh khóa X dự kỳ họp thứ 6 đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Theo đó, Tp.Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể trong Nghị quyết, trong đó, nội dung đầu tiên được thành phố triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù chưa thể đạt mức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc nhưng chính sách này ra đời phù hợp với năng suất thực tế của người lao động thành phố đạt gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, từ đó đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài. Thành phố cũng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố; thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, công tác này còn tồn tại một số hạn chế như chưa xây dựng Đề án thực hiện sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; cơ chế tài chính đặc thù chưa phát huy hiệu quả như mong đợi và nhiều vấn đề cần được quan tâm, tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự chủ động, khẩn trương để có thể tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54.

Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của thành phố đều chưa tận dụng được, như là nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hay chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn. Ngoài ra, công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học vẫn còn nhiều hạn chế; các dự án nhóm A dù đã được thông qua đều chậm tiến độ…

Cần cơ chế mới chắp cánh cho khát vọng phát triển

Thời gian qua, việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Đóng góp ý kiến về vấn đề này, TS.Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, một trong những bất cập là một số nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã “cho phép” nhưng cho không dứt khoát. TPHCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà phải ra Trung ương xin thêm cơ chế.

TS.Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Một số chuyên gia cho rằng, Tp.Hồ Chí Minh chưa có sự chủ động về ngân sách, tức chưa có tính ổn định ngân sách giữa Trung ương và Tp.Hồ Chí Minh để có những kế hoạch dài hơi. Trong khi đó, để phát triển bền vững và ổn định, thì chính quyền cần biết được ngân sách trong 5-10 năm tới, được tự chủ chi bao nhiêu, lúc đó mới hoạch định được kế hoạch phát triển và đầu tư. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, cơ chế xã hội hóa chưa được ghi nhận trong Nghị quyết 54, nên chưa chủ động huy động nguồn lực phát triển, trong khi các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại Tp.Hồ Chí Minh rất năng động nhưng chưa có cơ chế nên chưa thể thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan tài sản công, hợp tác đầu tư. Tp.Hồ Chí Minh cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. 

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, cần có sự chuẩn bị phương án, giải pháp, lộ trình cụ thể và nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới khi thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố phù hợp với vai trò của thành phố; trong đó kế thừa những nội dung của Nghị quyết số 54 và bổ sung thêm một số nội dung mới nhằm tránh tình trạng khó khăn như khi triển khai cơ chế theo Nghị quyết số 54. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho Tp.Hồ Chí Minh một số quyền, nhưng chưa có tính đột phá, chưa có tác động tích cực trong chuyển biến phát triển kinh tế-xã hội Tp.Hồ Chí Minh. Cần kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới, với tư cách là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Cành, Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể giữ lại một số điểm tốt như: quản lý đất đai, quản lý đầu tư. Về quản lý đầu tư, TP được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A và nâng cấp các dự án nhóm B, C lên nhóm A sử dụng ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công; Huy động các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước với đa dạng hóa hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP). Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP giữ ổn định trong 10 năm. Về quản lý đô thị, Tp.Hồ Chí Minh có thẩm quyền quy định chi tiết về quy hoạch, cấp phép xây dựng trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh; được quyền thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do UBND Tp.Hồ Chí Minh quyết định đầu tư kể cả dự án Nhóm A, công trình cấp đặc biệt,…

Một số chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần nhấn mạnh những khó khăn trong triển khai Nghị quyết số 54; tính bức thiết của việc có thêm các cơ chế chính sách đặc thù trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo động lực cho TP phát triển như kỳ vọng. Cùng với mục tiêu cơ chế đặc thù giúp Tp.Hồ Chí Minh phát triển, tạo sức lan tỏa, động lực mạnh mẽ hơn so với các địa phương khác, việc thực hiện các cơ chế cho Tp.Hồ Chí Minh cũng có mục tiêu là cơ sở thí điểm cho cả nước.

Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu đầy đủ các quy định khác nhau giữa nghị quyết đặc thù của thành phố với luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề được quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 54, cũng như công tác phối hợp với bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết để đạt được kết quả tốt nhất.

Minh Hùng