HÀ GIANG: SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG CẦN LÀM TỐT HƠN NỮA CÔNG TÁC THAM MƯU CHO UBND TỈNH VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

06/10/2022

Đó là một trong những nội dung kết luận của Đoàn giám sát Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang, Trưởng Đoàn giám sát tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang chiều ngày 05/10.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4 VÀ LẤY Ý KIẾN THAM GIA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Tham gia buổi làm việc còn có các thành viên Đoàn giám sát gồm các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang Phạm Thuý Chinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Chúng Thị Chiên; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hoàng Ngọc Định cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan.


Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang báo cáo kết quả thực hiện việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2019-2022, Sở đã tập trung phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ liên quan đến đất đai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, Sở đã thu hồi trên 1.600 ha đất thực hiện 273 công trình dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội; giao đất, cho thuê đất với 108 hồ sơ, dự án, tổng diện tích gần 11.500 ha. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã cơ bản bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, Sở đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc bất cập trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; chủ động nắm bắt tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để giải quyết kịp thời nhất là những vụ việc mới phát sinh, vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn những tồn tại hạn chế nên cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Điểm đ Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thành “Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, bao gồm cả các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, trừ trường hợp khai thác tận thu khoáng sản”. Sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2012, Khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ - CP của Chính phủ để thống nhất với Điểm c Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Sửa đổi Khoản 3, Điều 114 Luật Đất đai thành: Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân cấp huyện tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trường hợp dự án có sử dụng đất mà phải thu hồi đất trên địa bàn 2 huyện trở lên thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang làm rõ thêm trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu quản lý đất đai.

Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Nhân dân cấp huyện được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Đề nghị sửa đổi, bổ sung cho thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp; đề nghị giao thẩm quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận… Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đề nghị bổ sung vào Điều 62 Luật Đất đai (sửa đổi) thành: “Trường hợp có phát sinh dự án, công trình trong năm mà phải thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân và tổng hợp trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua cùng với các công trình khác của năm sau”.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cũng đề nghị bổ sung điểm e vào Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai: “Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê”. Đề nghị bổ sung Điều mới vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đối với trường hợp không thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư”. Đề nghị Chính phủ bổ sung Điều 23 Nghị định số 151/2017/NĐ - CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật quản lý, sử dụng tài sản công…


Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên phát biểu ý kiến.

Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã tập trung làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc tham mưu của ngành đối với các dự án chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên phải bổ sung, điều chỉnh; công tác giám sát sử dụng đất các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng; công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất nông nghiệp; làm rõ nguyên nhân, tồn tại và công tác tham mưu của Sở đối với một số công trình, dự án phải hủy bỏ do đã giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định Khoản 3  Điều 49 Luật Đất đai 2013; tháo gỡ, khó khăn, bất cập trong việc xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; đánh giá thêm tác động của việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án ảnh hưởng đến người dân có đất bị thu hồi. Ngoài ra là những hạn chế, vướng mắc và trách nhiệm của ngành tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc triển khai thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai; tiến độ công tác cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất; công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai  và việc khắc phục sau thanh tra…

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan nhấn mạnh: Với sự cố gắng nỗ lực của tập thể Sở Tài nguyên và Môi trường trong tham mưu cho tỉnh về công tác quản lý đất đai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn ngành tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, tham gia các kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đóng góp các ý kiến để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị phản ánh đến với Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn.


Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan kết luận tại buổi làm việc.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lý Thị Lan cũng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, quy hoạch; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; làm tốt công tác quản lý các dự án, các quy hoạch của tỉnh đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường hơn nữa công tác phối, kết hợp với các Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại về đất đai đảm bảo mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho người dân. Ngoài ra, Sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành để kịp thời xử lý, ngăn chặn các nội dung phát sinh./.

Lan Phương