PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT THÁNG 9/2002: UBTVQH TÁN THÀNH THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

24/09/2022

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

UBTVQH cho ý kiến về Kế hoạch, đề cương giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021

Giám sát cần tập trung vào việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng

Toàn cảnh phiên họp

Tại Phiên họp, nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch  và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra. 

Trình bày ý kiến thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một Thành phố trực thuộc tỉnh - 1đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột để thể chế hóa Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù” nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, về căn cứ thực tiễn, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư; nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..,

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cũng đã đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nội dung này và đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, về quan điểm, mục tiêu ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; khắc phục những hạn chế về thể chế được nêu trong Kết luận 67. Các chính sách phải góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù; tạo bước đột phát trong tăng trưởng; bảo đảm tính lan tỏa vùng miền, tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà cần tác động sâu rộng với cả khu vực Tây nguyên; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực chất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường 

Về các chính sách ưu đãi thuế, dự thảo Nghị quyết quy định các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy ưu đãi cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn đặc biệt khó khăn được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp. Đồng thời đề nghị quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi để được áp dụng ưu đãi thuế, theo đó cần xác định cụ thể về nội hàm: “lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản,…  sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ” để tạo căn cứ chặt chẽ cho thực hiện, tránh lợi dụng hoặc áp dụng tùy tiện.

Về quản lý quy hoạch, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột; cho rằng, đây là cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số địa phương được hưởng chính sách đặc thù.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Qua thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cho rằng việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần thể chế Kết luận 67 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với 4 nhóm chính sách thí điểm như trong Tờ trình của Chính phủ, các chính sách này đã đảm bảo tính thống nhất, tương đồng với các thành phố khác được áp dụng chính sách đặc thù. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm các chính sách để hỗ trợ thành phố Buôn Ma Thuột phát triển vượt trội hơn về giao thông, y tế,  giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao… đáp ứng được yêu cầu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, bên cạnh các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về thuế mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thực chất hơn cho các doanh nghiệp có các dự án có doanh thu trong địa bàn…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với sự cần thiết thiết và các nhóm chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất áp dụng cho thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, cà phê là sản phẩm nổi tiếng Buôn Mê Thuột. Do vậy, chúng ta nên nghiên cứu thêm các chính sách đặc thù cho sản phẩm này, liên quan đến phát triển các chuỗi giá trị cây cà phê, chế biến sâu, tái canh, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, thu hút các nhà đầu tư… góp phần tạo thế mạnh cho nông sản chủ lực tham gia tích cực vào thị trường quốc tế.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thuyết phục của hồ sơ trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ bổ sung Báo cáo đánh giá việc triển khai Kết luận 67 của Bộ Chính chị, trong đó thể hiện rõ ngoài các chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đang và sẽ triển khai nhiều chính sách theo thẩm quyền để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Các chính sách cần hướng tới các mục tiêu như Kết luận 67 của Bộ Chính trị, tạo bước đột phá, thực sự là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất việc Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk được ban hành chính sách ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt; các chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các dự án đầu tư trong thành phố Buôn Ma Thuột như Chính phủ trình. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện Nghị quyết theo ý kiến tham gia của cơ quan thẩm tra, và ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi của của các chính sách này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở để đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp và ý kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp tục bổ sung các cơ chế đặc thù áp dụng cho địa phương đã được thông qua; đề xuất thêm một số cơ chế đặc thù vượt trội (như thí điểm các chính sách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cây cà phê với những cái ưu đãi cao nhất về tín dụng, chính sách đầu tư, quảng quảng bá sản phẩm…) tạo động lực phát triển cho thành phố Buôn Ma Thuột và vùng Tây Nguyên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch  và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra

Qua thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Các đại biểu thống nhất việc Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk được ban hành chính sách ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, bên cạnh các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về thuế mạnh mẽ hơn

Các đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất thêm một số cơ chế đặc thù 

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phát biểu kết luận Phiên họp 

Thu Phương – Phạm Thắng