Quang cảnh hội nghị.
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 Chương, 92 Điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tham gia thảo luận, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi qua gần 25 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng và tích cực trong đời sống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới việc nghiên cứu xây dựng nâng cấp từ Pháp lệnh thành Luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng là phù hợp.
Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu cơ bản đồng tình với kết cấu, bố cục, nội dung của Luật. Một số đại biểu đề nghị tại Điều 12 quy định về các hình thức công khai nên quy định tổ chức công khai bắt buộc một hình thức bằng văn bản đến các đoàn thể chính trị để làm cơ sở cho việc giám sát cùng với một số hình thức công khai khác. Điều 17 cần quy định cụ thể trường hợp nào họp toàn thể cử tri và trường hợp nào họp cử tri đại diện hộ gia đình đối với các nội dung được quy định tại Điều 15 của Luật. Điều 38 quy định "Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước...", quy định này là không đầy đủ vì không có nhiệm vụ giám sát thực hiện "chủ trương, đường lối của Đảng", vì vậy nên sửa lại là "Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...".
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng trong dự thảo Luật cần bổ sung các quy định xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ban thanh tra nhân dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung bằng văn bản gửi Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.