ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN KHẢO SÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÂY MẮC CA TẠI HUYỆN MƯỜNG NHÉ

16/09/2022

Ngày 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên do Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lò Thị Luyến dẫn đầu tiến hành khảo sát tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khảo sát thực tế tại vườn ươm giống mắc ca phục vụ triển khai dự án trồng mắc ca tại xã Sen Thượng.

Dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 10.105ha. Nhà đầu tư dự kiến trồng trên diện tích thuê đất của Nhà nước là 7.105ha còn lại dự kiến liên kết với người dân thực hiện trồng với diện tích 3.000ha, thực hiện trên 11/11 xã. Đến ngày 30/6/2022, huyện Mường Nhé đã hoàn thiện các thủ tục đo đạc, quy chủ và giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 2.389,83ha tại 3 xã: Sín Thầu, Sen Thượng và Leng Su Sìn (đạt 23,6% so với quy mô dự án). Tổng diện tích đã trồng mắc ca là 452,22ha (đạt 4,5% quy mô dự án phê duyệt). Trong đó 100% diện tích do nhà đầu tư trồng, chưa có diện tích liên kết với người dân.

Trên địa bàn huyện đã thành lập được 1 hợp tác xã mắc ca tại xã Sín Thầu (HTX dịch vụ mắc ca Sín Thầu) với 13 thành viên; mỗi thành viên có từ 1 – 2ha đất để liên doanh, liên kết với nhà đầu tư thực hiện trồng mắc ca. Quá trình triển khai dự án trồng mắc ca, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Tây Bắc đã tạo việc làm cho người dân các xã: Sen Thượng, Leng Su Sìn, Sín Thầu và các xã lân cận với mức lương 200.000 – 250.000 đồng/ngày công.

Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án trồng cây mắc ca ở huyện Mường Nhé đang rất chậm so với kế hoạch nhà đầu tư đăng ký với tỉnh; công tác đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền, vận động người dân các xã tham gia thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn; thực hiện công tác đo đạc, quy chủ, các thủ tục đất đai mất nhiều thời gian và người dân chưa đồng thuận với cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và các cơ quan chuyên môn của huyện chưa thực sự tốt.

Đoàn khảo sát đề nghị UBND huyện Mường Nhé làm rõ thêm một số nội dung như: Quyết tâm của nhà đầu tư trong thực hiện dự án theo đúng chủ trương đầu tư dự án phê duyệt trên địa bàn huyện Mường Nhé; việc sử dụng và chi trả các chế độ cho lao động trên địa bàn huyện, nhất là tại 2 xã: Sen Thượng và Sín Thầu; công tác tập huấn, bồi dưỡng của UBND huyện đối với các thành viên HTX dịch vụ mắc ca Sín Thầu.

UBND huyện Mường Nhé và nhà đầu tư cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây mắc ca. Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mắc ca trên địa bàn huyện. UBND huyện tập trung tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành viên HTX dịch vụ mắc ca Sín Thầu nhằm tránh bị động, gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án.

Trước đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế tình hình triển khai dự án trồng mắc ca tại 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng.

(Theo Báo điện tử Điện Biên Phủ)

Các bài viết khác