ĐBQH TRÁNG A DƯƠNG: CẦN BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

14/09/2022

Góp ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương-Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ đối với khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn để khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ, phát triển thương mại.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân: Không được phép từ chối xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp

Theo dự kiến chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến  dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.


Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Việc sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Việc sửa đổi Luật cũng khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Thay mặt Hội đồng Dân tộc, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Sau 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử, cùng với các luật chuyên ngành đã đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay như: Các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; Quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhất trí sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế về chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Về Hồ sơ dự thảo Luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận thấy, hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu kèm theo, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) của dự án Luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của pháp luật chuyên ngành để quy định thống nhất, tránh chồng chéo.

Đề cập chính sách phát triển giao dịch điện tử (Điều 5), đại biểu Tráng A Dương cho rằng, dự án Luật đưa ra 3 nhóm chính sách phát triển giao dịch điện tử. Tuy nhiên, trong dự án Luật không đề cập đến địa bàn ưu tiên phát triển là chưa thực sự đúng theo tinh thần văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để nhằm khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ, phát triển thương mại, dịch vụ, lưu thông, phân phối hàng hóa, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này. Đây là chính sách quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, nhất là vùng khó khăn. Đồng thời, các nghị định/quyết định của Chính phủ hoặc văn bản thi hành luật cần cụ thể hóa chính sách này để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Theo đại biểu Tráng A Dương, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có quy định về một số hoạt động dịch vụ như: Dịch vụ cấp dấu thời gian khoản a, điểm 1 Điều 29; Dấu thời gian được tạo ra dưới dạng chữ ký số điểm 2, Điều 30; Dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu điểm 1 Điều 31,... Tuy nhiên, các ngành nghề trên chưa được quy định trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục V ban hành kèm theo Luật Đấu thầu. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục V Luật Đấu thầu.

Về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (Điều 44), trong dự án Luật quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng. Tuy nhiên, Luật Tiếp cận thông tin đã quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi (Khoản 1 Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin mà công dân được quyền tiếp cận, tức là quyền đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp thông tin. Một trong các hình thức công khai thông tin là hình thức điện tử, trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (Khoản 1a Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin). Đây hoàn toàn có thể là nguồn dữ liệu phù hợp để “mở”. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ và các ngoại lệ này phải được quy định trong Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với một số vấn đề khác, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương đề nghị bổ sung Báo cáo rà soát sự tương thích, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến các nội dung của Luật Giao dịch điện tử. Đề nghị làm rõ quyền tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia với từng dịch vụ tại Dự thảo Luật để phù hợp pháp luật về đầu tư./.

Bích Lan