ĐOÀN ĐBQH TP.HỒ CHÍ MINH KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

13/09/2022

Sáng 13/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND Quận 6 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 - 2022.


Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia Đoàn khảo sát có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 1; Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7. Tiếp đoàn có các đồng chí: Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận 6; Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quận 6; Đinh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 6.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lưu Hồng Uyên cho biết, hiện quận có 78 cơ sở giáo dục và 17 nhóm lớp, thời gian qua UBND Quận 6 đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp các ban, ngành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận giai đoạn 2020 - 2022. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành GD-ĐT quận cùng với cha mẹ học sinh đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ. 100% giáo viên tham gia tập huấn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; 100% học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo tốt việc dạy học; các trường đảm bảo phân bố đủ giáo viên triển khai dạy học đủ các môn học, hoạt động giáo dục đạt hiệu quả, chất lượng. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn; cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư, môi trường và điều kiện học tập của học sinh được cải thiện, qua đó, tạo được niềm tin của nhân dân với ngành GD-ĐT quận.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Tây (Quận 6) Phạm Thị Phương Hồng cho biết thêm, ngay từ đầu năm học nhà trường đã triển khai cho cán bộ, giáo viên và nhân viên về Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình. Giáo viên được tự chủ chuyên môn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, các lớp với những điều kiện khác nhau để phù hợp với học sinh và từng lớp góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời, đã đổi mới được toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Sách giáo khoa mới có nhiều tiết thực hành trải nghiệm tạo sự hào hứng học tập cho học sinh. Năm học 2022 - 2023, nhà trường đã lựa chọn 12 đầu sách giáo khoa lớp 7 của bộ sách Chân trời sáng tạo và Bộ sách tiếng Anh Friend Plus, đây cũng là những đầu sách được UBND Tp.Hồ Chí Minh phê duyệt.

Tại buổi làm việc, Quận 6 cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh như: Hiện nay để đáp ứng chương trình mới, quận còn thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học. Cụ thể, quận còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên Tin học; một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Việc học nâng chuẩn lên đại học để theo đúng quy định ở một số bộ môn còn gặp khó khăn vì phải chờ đủ số lượng đăng ký mới mở được lớp; một số giáo viên lớn tuổi còn chậm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp chương trình.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những nỗ lực của Quận 6 trong việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội; đồng thời, chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những kiến nghị của quận để sau quá trình khảo sát sẽ bàn hướng giải quyết.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Quận 6 tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được; chủ động quy hoạch mạng lưới trường để tiếp tục mở rộng chỗ học, kéo giảm sĩ số cho các em học sinh trên địa bàn; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khối lớp 3 và 7 để nâng chất lượng giáo dục cho các em; tăng cường kiểm tra kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.

(Theo Trang TTĐT Đảng bộ Tp.HCM)