ĐBQH LÊ VĂN CƯỜNG: LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CẦN TRIỆT TIÊU CÁC LÃNG PHÍ TRONG HỆ THỐNG Y TẾ

12/09/2022

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng dự thảo luật này cần có nhiều điều khoản liên quan đến vấn đề triệt tiêu các lãng phí về nhân lực, di chuyển, làm quá nhu cầu hoặc làm dưới nhu cầu trong hệ thống y tế.

Đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đưa ra ý kiến thảo luận hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhờ đó, trong dự thảo luật lần này, nhiều yếu tố đầu vào của hệ thống y tế đã được tăng cường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, tài chính, quản lý thông tin y tế, năng lực về lãnh đạo, quản trị, các vấn đề liên quan đến trang thiết bị dược, vật tư y tế và các quy trình về chuyên môn. Đặc biệt, đại biểu bày tỏ nhất trí cao khi dự thảo luật này có nhiều điều khoản liên quan đến vấn đề triệt tiêu các lãng phí trong hệ thống y tế, trước hết là những lãng phí liên quan đến nguồn nhân lực không được đào tạo và huấn luyện, không được chuẩn hóa; các lãng phí liên quan đến di chuyển trong hệ thống y tế và hệ thống chuyển tiếp; các lãng phí liên quan đến làm quá nhu cầu, hoặc làm dưới nhu cầu, tức là tuyến trên làm việc của tuyến dưới hoặc tuyến dưới giữ những bệnh nhân nặng để lại điều trị, gây ra những sự cố, sai sót y khoa.

Đại biểu nhấn mạnh, trong dự thảo luật lần này, có nhiều nội dung liên quan đến nguồn lực, trong đó có các quy định liên quan đến tăng cường kiến thức về kỹ năng, quy cách giao tiếp, ứng xử. Nhấn mạnh y đức là điều rất quan trọng trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên đại biểu cho rằng các vấn đề liên quan đến đạo đức thì rất rộng và phức tạp, nên các điều khoản quy định về giao tiếp, ứng xử của bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên y tế là điều rất thiết thực và quan trọng trong dự thảo luật lần này. Qua nghiên cứu dự án luật, đại biểu cho rằng các quy định về nội dung này là tương đối hợp lý, khả thi. Bày tỏ đặc biệt tán thành với quy định trong Điều 116 trong dự thảo luật về việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đại biểu nhấn mạnh trong thời đại khoa học công nghệ phát triển với tốc độ cao, nhiều cải tiến quan trọng diễn ra nhanh chóng, các phương pháp khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ hiện đại ngày một nhiều và không ngừng nâng cấp, vì vậy, việc liên tục cập nhật kiến thức là yêu cầu tối quan trọng để đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, nhu cầu của bệnh nhân. Đại biểu cho rằng cần có tiêu chí về cập nhật kiến thức y khoa trong đánh giá năng lực hành nghề.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ, muốn nâng cao trình độ nhân viên y tế thì cần có cơ chế tài chính phù hợp, cần có thời gian cho họ học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay nhân viên y tế đang mất rất nhiều thời gian cho công việc của bệnh viện, hệ thống khám, chữa bệnh quá tải, phải chịu áp lực do thu nhập thấp, nên phải làm các công việc khác hoặc làm ngoài giờ để bù thu nhập. Vì vậy, đại biểu cho rằng dự án Luật cần có quy định rõ ràng, hợp lý để đảm bảo điều kiện tài chính cho các cán bộ, nhân viên y tế.

Về vấn đề liên quan đến hệ thống khám, chữa bệnh ở Điều 101, đại biểu cho rằng điều khoản ở đây rất hợp lý. Tuy nhiên, ở điểm b khoản 2, đại biểu cho rằng không nên dùng từ "tổng quát" mà vẫn dùng các từ "ngoại trú, nội trú cơ bản" để thống nhất với điểm a và điểm c. Điểm a là ban đầu, điểm b là cơ bản, điểm c là chuyên sâu. Đại biểu nhấn mạnh, việc thiết kế 3 cấp độ: ban đầu – cơ bản – chuyên sâu sẽ giảm được chi phí di chuyển, qua đó khắc phục được một nguồn gây lãng phí rất lớn trong hệ thống y tế. Đại biểu đề nghị trong 3 cấp này, nên phân cấp xã và các bác sĩ gia đình cấp ban đầu, tuyến huyện là cấp cơ bản và tuyến tỉnh, tuyến trung ương là cấp chuyên sâu, để giảm thiểu việc người bệnh phải di chuyển, tránh việc đi lại lộn xộn giữa các cấp như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, trong khi nhân lực và xe cấp cứu còn thiếu thốn.

Riêng với hệ thống y tế tư nhân, đại biểu cho rằng không nên phân cấp. Theo đại biểu, kể từ khi có chính sách về phân tuyến huyện, các bệnh viện tư nhân bắt đầu phát triển khởi sắc trở lại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tốt cho người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta phân cấp thì hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là các bệnh viện tư nhân cấp 3 chắc chắn rất khó khăn.

Liên quan đến hệ thống cấp cứu ngoài viện, đại biểu cho biết, hiện nay số bệnh nhân nặng cấp cứu chiếm khoảng 20% trong hệ thống khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, chi phí lại chiếm rất lớn về đầu tư, về trang thiết bị, về các chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh của người dân. Điều 58 trong dự án Luật này có quy định về vấn đề cấp cứu tại bệnh viện và cấp cứu ngoài bệnh viện, đại biểu cho rằng, nếu thiết kế tốt được điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều các lãng phí, trong đó có các lãng phí như làm quá nhu cầu hoặc dưới nhu cầu, hoặc do các sai sót y khoa. Ở đây các hệ thống cấp cứu giúp việc là một vấn đề mới, rất phức tạp. Đại biểu đề nghị cần có một điều khoản, giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vấn đề kỹ thuật, các vấn đề liên quan đến tài chính, mô hình, để thống nhất mô hình, đặc biệt là cơ chế tài chính, trên phạm vi toàn quốc. Sau đó, cần giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai khi có mô hình các cơ chế tài chính của Bộ Y tế. 

Minh Hùng

Các bài viết khác