LẤY Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

07/09/2022

Nhằm bổ sung căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn, hoàn thiện dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật quan trọng này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, XIII, đặc biệt là chủ trương thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình một cách toàn diện, khả thi, có hiệu quả, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) đã được tiến hành và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Tại Kỳ họp thứ 3, dự án Luật đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 02 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành năm 2007 đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành là cần thiết nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 08/8/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thảo luận và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội đã gửi văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật.

Nhằm bổ sung căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn, hoàn thiện dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật quan trọng này. Trước đó, dự án Luật cũng được thảo luận tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Có ý kiến đề nghị việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tiếp tục phải bảo đảm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, bảo đảm tính khả thi đối với đối tượng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

Về bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc, một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” và một số nội dung khác đã được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của quy định; đồng thời bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thêm vào đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát và hiệu chỉnh về kỹ thuật lập pháp đối với nội dung quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, về các biện pháp tuyên truyền, thông tin, truyền thông, giáo dục ở địa bàn dân cư.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, lấy ý kiến Chính phủ, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

Minh Hùng