Phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có lộ trình định hướng và phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách trong nhiều năm qua. Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đẩng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sahcs, pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luất Đất đai và nhiều nghị định, văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn cũng được thể hiện trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011 -2020; Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược tăng trưởng xanh;…
Hiên nay cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10. Theo đó, tại Khoản 11 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế -xã hội để làm cơ sở thực hiện nhất quán nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu rõ định nghĩa về kinh tế tuần hoàn; quy định; quy định Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng quy định trách nhiệm việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cho 02 hợp phần quan trọng là các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp
Theo TS. Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh HTX Việt Nam, cơ sở pháp lý trong thực hiện kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa đầy đủ, chưa có những quy dịnh cụ thể, phù hợp ngành và lĩnh vực trong triển khai, ứng dụng. Quy định của Nhà nước chưa có tiêu chí cho các mô hình kinh tế tuần hoàn. Một số chính sách về bảo vệ môi trường đang thiếu các điều kiện để triển khai như: hỗ trợ thu gom và quản lý rác thải ở nông thôn, sử dụng khí sinh học, …
Ngoài ra, các quy định về phí, thuế chưa sát với thực tiễn. Việc áp dụng mức thuế suất của Luật Thuế Tài nguyên ưu tiên cho mục tiêu điều tiết tài nguyên có giá trị cao thể hiện ở mức thuế suất áp dụng đối với khoáng sản không kim loại và dầu thô, mà chưa hướng đến việc hạn chế khai thác tài nguyên làm nguyên liệu hay bảo tồn thiên nhiên.
TS.Phạm Thị Tố Oanh nhấn mạnh, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia; tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng; có chính sách ưu tiên trong đầu tư công nghệ tái chế chất thải có giá trị cao. Bổ sung các chính sách, quy định cụ thể theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực,..
TS.Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh HTX Việt Nam
Về nội dung này, TS.Mai Thị Mai, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong hệ thống pháp luật về môi trường Việt Nam sớm đã có những chính sách cũng như các quy định của pháp luật có các hàm ý liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Khuyến khích công nghệ thân thiện môi trường; ưu đãi, hỗ trợ các loại hình sản xuất thân thiện môi trường, quan tâm chính sách về xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng… đã bước đầu được quy định. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật này nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, không có tính hệ thống và đồng bộ và thống nhất.
Thêm vào đó, ở Việt nam trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng cơ sở pháp lý vẫn chưa được xây dựng để có thể tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy các mô hình kinh tế này.
Đến nay, khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được thông qua đã có bước đầu chính thức ghi nhận về mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như xác định kinh tế tuần hoàn là chính sách quan trọng khi xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Việc quy định về kinh tế tuần hoàn trực tiếp trong Luật bảo vệ môi trường cho thấy tầm quan trọng của định hướng xây dựng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một chính sách xuyên suốt thống nhất và đồng bộ. Cụ thể: Cùng với sự ghi nhận về kinh tế tuần hoàn thì Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã bổ sung thêm các quy đinh về công cụ kinh tế, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về bảo vệ môi trường, các chính sách về ngành kinh tế môi trường và về việc huy động các nguồn lực cho bảo vệ môi trường.
“Một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường;… các quy định về kinh tế tuần hoàn cũng mới dừng lại ở mức độ khung, chưa cụ thể hóa một cách chi tiết và đầy đủ, không có dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển mô hình kinh tế này…”, TS.Mai Thị Mai nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã không đề cập đến quy định về việc xử lý một loại rác thải đặc thù là rác thải điện tử. Việc xử lý loại hình rác thải này cần có những công nghệ đặc thù, do đó cần có những quy định riêng đối với hoạt động quản lý và tái sử dụng loại rác thải này, nhất là đặt trong bối cảnh thúc đẩy hoàn thiện Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, mô hình kinh tế tuần hoàn có hiện thực hoá được hay không thì yếu tố chính là phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Hiện nay, ngoài các quy định về mặt chính sách và nội dung chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì các quy định về mặt thủ tục để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh môi trường, cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xử lý rác thải vẫn còn chưa rõ ràng, đầy đủ và có hiệu quả thực tiễn cao. Đưa đến việc định hướng, chính sách thì đã có, nhưng triển khai áp dụng trên thực tiễn không cao, không nhiều doanh nghiệp có động lực đủ lớn để đầu tư và phát triển công nghệ trong lĩnh vực môi trường.
Do đó, TS.Mai Thị Mai đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; bổ sung thêm các quy định về quản lý dự án theo vòng đời; bổ sung tiêu chuẩn về môi trường.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm các quy định về lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Đặc biệt, cần có thêm các quy định về xử lý rác thải điện tử để kịp thời đáp ứng trước các yêu cầu đòi hỏi đặt ra ở hiện tại;...
Bên cạnh đó, một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để đưa KTTH vào thực tiễn đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để hướng dẫn, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của xã hội trong việc thực hiện KTTH. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sớm thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về KTTH nói riêng và pháp luật về BVMT nói chung. Trong dài hạn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật khác để hình thành ra một khung thể chế toàn diện nhằm thúc đẩy việc vận dụng các nguyên tắc, biện pháp của KTTH kết hợp với đổi mới, sáng tạo, thành tựu của khoa học và công nghệ, internet vạn vật để hình thành ra các vòng lặp tuần hoàn có tính hệ thống, kết nối liên ngành, liên vùng, đô thị với nông thôn để thực hiện thành công KTTH ở Việt Nam.
Vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết chính trị hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ Trái Đất. Do đó, để tạo điều kiện phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong dài hạn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật để hình thành ra một khung thể chế toàn diện là cần thiết./.