Cùng tham dự có các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ngành; lãnh đạo, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai của một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố và đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã, các phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Hằng năm, công tác thu hồi đất giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hằng năm khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% - 18% tổng nguồn thu ngân sách Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn trình bày báo cáo tại hội nghị
Giai đoạn 2016-2020, trên toàn Thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án, với diện tích 16.106ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.
Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và 18.551.000m2 đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý đất đai được xây dựng theo hướng đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện…
TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Trên cơ sở những bất cập về quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có quy định chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đã có 11 ý kiến của cử tri là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các địa phương đã góp ý, trao đổi một số bất cập trong quản lý đất đai, đóng góp ý kiến thiết thực vào sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, các ý kiến khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể chế hóa được tinh thần, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều quan điểm đổi mới. Về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, các cử tri cũng khẳng định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong dự thảo luật, cần quy định cụ thể để hạn chế khiếu nại, tố cáo và tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội. Các ý kiến đều khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong cuộc sống.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai, cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là lắng nghe các ý kiến của cử tri là chuyên gia, nhà xây dựng luật, phản biện, giám sát, nhóm cử tri là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, từ đó lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần phải sửa đổi.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, các ý kiến tại hội nghị đóng góp rất kỹ lưỡng về kết cấu, quan điểm, nguyên tắc, khái niệm, giải thích từ ngữ, công tác quản lý, những bất cập trong công tác này trong thời gian qua; hành vi cấm, xử phạt vi phạm; công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB tái định cư; giá đất, bản đồ giá đất; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác,... Qua hội nghị, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thu thập được nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp gửi về Đoàn. Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH Thành phố tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.