ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2023: CƯƠNG QUYẾT GIẢM THỦ TỤC, BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM

11/08/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá.

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ yêu cầu trong tổ chức thực hiện cần bám sát chủ trương của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới.

Nhấn mạnh tập trung nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình triển khai cần bảo đảm tổ chức các đoàn công tác gọn, đủ năng lực làm việc; cương quyết giảm thiểu các thủ tục hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị gồm Hội đồng Dân tộc vác các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và các cơ quan chịu sự giám sát.

Theo phân công, Hội đồng Dân tộc chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025;

Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2023, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp.

Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” .

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động nghiên cứu đề xuất đổi mới phương thức, tổ chức thực hiện giám sát bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế; tập trung nguồn lực, nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến về những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các chuyên đề giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó, tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát. Đồng thời, tăng cường tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát; tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc tại địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát.

Đối với các đại biểu Quốc hội cấn tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; tích cực, chủ động trong việc nêu kiến nghị giám sát để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhằm phát huy vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm báo cáo, phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát và tham gia các hoạt động giám sát; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện./.

Bảo Yến

Các bài viết khác