ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

02/08/2022

Góp ý Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia dự hội thảo bày tỏ quan tâm đến chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hoạt động dầu khí; minh bạch vai trò Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong Luật.

Uỷ ban Kinh tế lấy ý kiến dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vẫn giữ nguyên 11 chương, 64 điều so với lần trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, tuy nhiên đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung. Việc sửa đổi Luật Dầu khí là để tạo ra động lực tiếp theo về mặt cơ chế, thể chế, một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả trong ngành Dầu khí để thúc đẩy ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng trong giai đoạn tới. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, quan điểm xây dựng luật dầu khí phải theo hướng thông thoáng, cởi mở, đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền, tạo điều kiện thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, những nội dung về mẫu vật, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cần được giao về cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chứ không chỉ giao cho Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì đơn vị này là cơ quan chuyên môn, quản lý trực tiếp, có trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Quan tâm đến nội dung lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện nay dầu khí của chúng ta sụt giảm, khai thác khó khăn, thì chỉ định thầu nên bổ sung thêm nội dung mà ở đó, sử dụng công nghệ cao để tận thu. Nếu đơn vị này sử dụng công nghệ cao để tận thu thì chỉ định thầu.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu

Liên quan đến Chương 9, theo đại biểu Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần phải xem xét đưa quy định về Petrovietnam vào trong Luật Dầu khí (sửa đổi). “Có một số ý kiến cho rằng nếu làm không khéo, luật này sẽ phục vụ cho Petrovietnam. Đại biểu Quốc hội mong muốn ban soạn thảo làm rõ vấn đề này, đảm bảo minh bạch, rõ ràng bởi vì bản thân Petrovietnam cũng là một doanh nghiệp. Đại biểu Trần Chí Cường đặt vấn đề việc đưa quy định cụ thể của một tập đoàn vào một chương của luật có đồng bộ với luật hay không, hay tạo ràng buộc, không rõ ràng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Petrovietnam. Theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh trường hợp giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp để có những vấn đề không kiểm soát được hoặc kiểm soát không đầy đủ sẽ gây thiệt hại lớn. Về vấn đề này, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng phải nghiên cứu thể hiện tối đa việc tự chịu trách nhiệm của Petrovietnam trong Luật.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí & Than (Bộ Công Thương) cho biết việc điều tra cơ bản là việc của Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn nên phải huy động xã hội hóa (đóng góp của Petrovietnam và các cơ quan khác), trong quá trình huy động sẽ phân định rất rõ phần việc nào của Nhà nước, phần nào của doanh nghiệp. Trước băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về hoạt động của Petrovietnam trong Luật, đại biện Bộ Công Thương khẳng định Bộ đã cân nhắc kỹ và thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của tập đoàn (thể hiện tại Điều 53, Điều 54) chỉ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong vai trò nhà thầu thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn toàn bình đẳng so với các nhà đầu tư khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận các ý kiến đóng góp trực tiếp cho dự thảo luật. Bổ sung ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lựa chọn nhà đầu đặc biệt (chỉ định thầu) đã cân nhắc đến tính chủ động trong lựa chọn nhà đầu tư và xác định ưu tiên đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi thực hiện lựa chọn nhà thầu đặc biệt. Về vai trò pháp lý của Petrovietnam trong Luật Dầu khí (sửa đổi), vấn đề này đã được đề cập trong luật cũ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Luật Dầu khí (sửa đổi) khi hoàn thiện sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại, giúp ngành dầu khí của Việt Nam phát triển; gắn liền với sự phát triển và tạo điều kiện cho tập đoàn dầu khí Việt Nam có thể đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

+ Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế cùng các đại biểu, chuyên gia đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, làm việc với Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn.

 Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế cùng các đại biểu, chuyên gia đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Báo cáo đoàn công tác, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, sau 12 năm vận hành thương mại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 80 triệu tấn sản phẩm; đóng góp cho ngân sách hơn 195.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động… Tại cuộc làm việc, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết công suất của Nhà máy mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước; đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét sớm thông qua Luật Dầu khí sửa đổi, có cơ chế tận dụng cơ sở triển khai năng lượng biển, chỉnh sửa các luật như luật đầu tư, luật xây dựng, luật thuế giá trị gia tăng, nhằm rút ngắn thời gian triển khai các dự án trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến phát triển hóa dầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để được khấu trừ đầu vào khi xuất khẩu.

Đoàn công tác của Quốc hội đề nghị Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp tục tập trung nâng cao hệ thống quản lý nhà máy, có định hướng giữ được thị phần lọc dầu, từng bước chuyển hướng phù hợp sang các sản phẩm hóa dầu. Đoàn ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của đơn vị, tuy nhiên, công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cần phải làm rõ hơn các vấn đề còn vướng mắc, tránh chung chung. Đối với đề xuất điều chỉnh pháp lệnh dự trữ quốc gia năm 2004 liên quan đến dầu thô, đoàn nhấn mạnh cần những nghiên cứu thấu đáo, đánh giá được bối cảnh, tình hình trong nước, chủ động nguồn dầu thô, vấn đề này liên quan đến Bộ Công thương và Bộ Tài chính, sẽ cần có nghiên cứu cụ thể hơn.

Nguyễn Hùng