Về công tác giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum và ĐBQH trong Đoàn đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoàn thành 6/6 chuyên đề giám sát, khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác Quy hoạch trên địa bàn tỉnh kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh….
Qua giám sát, khảo sát đã chỉ rõ các mặt ưu điểm, đồng thời có kiến nghị khắc phục những khuyết điểm, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương, của các ngành. Đoàn cũng đã đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giám sát trong năm 2023 đối với 4 chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện mặt trời; việc tổ chức, thực hiện chương trình, đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng, trước kỳ họp bất thường lần thứ nhất và kỳ họp thứ ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã đề nghị các cơ quan hữu quan trong tỉnh nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào 8/8 dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)… Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia phát biểu 10 lượt tại các phiên thảo luận ở Tổ và thảo luận trực tuyến về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ… Tại Kỳ họp thứ 3, đã tham gia phát biểu 20 lượt tại các phiên thảo luận ở Tổ và tại Hội trường, gửi 6 văn bản tham gia ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022; các dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động…
ĐBQH tỉnh Kon Tum tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3. Ảnh: HN
Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND và UBND tỉnh tổ chức cho các ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3 tại 20 xã, phường thuộc 10/10 huyện, thành phố. Tại các hội nghị tiếp xúc, cử tri đã có 80 lượt phát biểu với 166 ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan nhà nước ở địa phương. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải thích, trao đổi và thông tin cho cử tri về chủ trương và chính sách, pháp luật của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến nội dung kiến nghị của cử tri, được cử tri thống nhất, đồng tình. Đối với những kiến nghị chưa trả lời được ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tập hợp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Phối hợp với Thường trực HĐNĐ, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ hằng tháng vào ngày 22. Đồng thời, phân công đồng chí Phó trưởng Đoàn thay mặt Đoàn tiếp công dân tại Trụ sở làm việc Đoàn ĐBQH tỉnh khi có công dân đến Trụ sở yêu cầu.
Luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn và các ĐBQH trong Đoàn với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND, UBND các cấp, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định. Tham gia và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện công tác hỗ trợ, xây dựng nhà tình thương (từ nguồn xã hội hóa) cho 14 hộ chính sách, hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn 7 huyện.