ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH QUẢNG BÌNH: ĐÁP ỨNG NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG CỦA CỬ TRI

27/06/2022

Với 13 lượt phát biểu thảo luận tại tổ, 10 lượt phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, 3 lượt chất vấn và 1 lượt tranh luận cùng nhiều hoạt động bên lề kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình đã ghi dấu ấn đậm nét và đóng góp quan trọng vào thành công chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của của tri.


Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia các hoạt động tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Để chuẩn bị cho kỳ họp, cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp; trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương và cả nước, những vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm; thống nhất một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đoàn tại kỳ họp.

Tại kỳ họp, các ĐBQH tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, tham gia đầy đủ các phiên họp và các hoạt động bên lề; tích cực tập trung nghiên cứu tài liệu, kết hợp nắm bắt tình hình thực tiễn, chắt lọc từ phản ánh, kiến nghị của cử tri để có những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng và quyết định đúng đắn đối với các nội dung được thảo luận, thông qua tại các phiên họp.

Về những kết quả KT-XH của đất nước, ý kiến phát biểu của đoàn đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch và triển khai các nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh ý kiến đồng tình, đại biểu cũng nhấn mạnh một số khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách về phục hồi, phát triển kinh tế chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Điển hình là những bất cập trong thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 quy định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Ý kiến đã phân tích sâu về những bất cập đang cản trở việc triển khai nghị định, nghị quyết, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình thăm, tặng quà Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ĐBQH đã nêu lên nguyên nhân của tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em còn thấp và đề xuất cần có kết quả nghiên cứu cụ thể về tác dụng phụ của vắc-xin để khẳng định có hay không ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ. Nếu tiêm vắc-xin không có tác dụng phụ thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giải tỏa tâm lý e ngại để người dân cho trẻ tiêm.

Đối với vấn đề lao động, việc làm, đại biểu đã phản ánh tình trạng trục lợi khi môi giới cho người lao động trái phép, tuyên truyền sai sự thật các chủ trương, chính sách nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an vào cuộc và có giải pháp siết chặt kỷ cương hoạt động môi giới, làm trong sạch thị trường lao động để giúp người lao động nâng cao đời sống và bảo đảm danh dự, uy tín của đất nước trước các đối tác quốc tế.

Tham gia thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, các ĐBQH đã cho ý kiến về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1)…

Về công tác xây dựng pháp luật, các ĐBQH cũng đã tích cực góp vào các dự thảo luật như: Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi) và 6 Dự thảo dự án luật xin ý kiến lần thứ 2 qua các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường.

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp.

Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã chất vấn những vấn đề nóng, cử tri quan tâm, như: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân vươn khơi bám biển; chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giải pháp kiểm soát tình trạng khan hiếm cục bộ và tăng giá nguyên vật liệu trong quá trình triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia và một số địa phương; nguyên nhân và các giải pháp kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng tuổi thọ các công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu cũng đã chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về nội dung cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Những nội dung chất vấn, trả lời chất vấn đã được các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đăng tải rộng rãi để kịp thời thông tin tới cử tri.

Tại kỳ họp, đồng chí Vũ Đại Thắng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng tổ thảo luận số 5, gồm ĐBQH các đoàn: Quảng Bình, Phú Yên, Vĩnh Long và Hòa Bình. Đồng chí đã điều hành có chất lượng, hiệu quả 5 phiên thảo luận tại tổ, tạo cơ sở quan trọng cho các ý kiến thảo luận, chất vấn của 4 đoàn ĐBQH trong suốt kỳ họp.

Hầu hết ý kiến của các ĐBQH đều xuất phát từ việc tiếp thu, chắt lọc các kiến nghị, đề xuất của cử tri, kết hợp nghiên cứu thực tiễn, nắm bắt những tồn tại, vướng mắc của cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp sát đúng, có tính khả thi nên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, các cơ quan báo chí, truyền thông theo dõi và cập nhật.  

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tham gia các hoạt động bên lề kỳ họp, như: Trả lời phỏng vấn, tham dự các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội, họp mặt ĐBQH chuyên trách, các nhóm nghị sĩ… Đặc biệt, đoàn đã thăm hỏi, động viên ngư dân, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đang hoạt động trên biển thông qua hệ thống VSAT tại Trung tâm Sở chỉ huy Cảnh sát biển đặt tại Thủ đô Hà Nội. Các ĐBQH đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri là ngư dân và chuyển tải trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao năng lực về hoạch định, triển khai, phản biện chính sách về xây dựng đô thị ven biển. Về công tác an sinh xã hội, đoàn đã vận động Công ty Điện lực Quảng Bình, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tài trợ 115 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 và dự kiến hỗ trợ xây dựng 1 nhà tình thương tại xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) trị giá 70 triệu đồng.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, bên cạnh những đóng góp về các vấn đề quan trọng của đất nước, các ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã đề cập đến những vấn đề thiết thực của tỉnh, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. “Qua theo dõi kỳ họp, tôi và nhiều cử tri rất vui mừng trước hoạt động tích cực của các ĐBQH. Cùng với việc tập hợp được ý nguyện của cử tri tỉnh nhà, Đoàn ĐBQH tỉnh đã dày công nghiên cứu các dự thảo luật, những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… để có các kiến nghị, giải pháp phù hợp. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng vào vai trò của Đoàn ĐBQH tỉnh!”, ông Nguyễn Hữu Long, 87 tuổi, cử tri TT.Quán Hàu, huyện Quảng Ninh chia sẻ!

(Theo Báo điện tử Quảng Bình)