TĂNG CƯỜNG TRANH LUẬN: GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ CÁC VẤN ĐỀ THỰC TIỄN

18/06/2022

Chiều 16/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã kết thúc. Một trong những dấu ấn quan trọng của kỳ họp, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động nghị trường là yếu tố tranh luận được tăng cường. Thông qua tranh luận, nhiều vấn đề được sáng tỏ, tường minh. Đây là bước tiến đáng kể, chuyển dần từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.

 

Phiên bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Tại Kỳ họp thứ 3, đã có 1.484 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 6 phiên thảo luận tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại 23 phiên họp toàn thể tại Hội trường, trong đó tại phiên chất vấn có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm.

Theo dõi các phiên thảo luận đặc biệt là phiên chất vấn tại hội trường, việc đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận không còn là hiện tượng hiếm gặp. Với không khí sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nội dung tranh luận của các vị đại biểu đã mang lại luồn sinh khí mới trong hoạt động nghị trường, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn và cả kịch tính. Tại kỳ hợp thứ 3, giá trị của tranh luận tại nghị trường đã chạm tới những vấn đề “nóng”, đúng và trúng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm, trông đợi.

Ngắn gọn, thẳng thắn và trực diện là không khí tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề (nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải) dưới sự điều hành của linh hoạt, khoa học, sắc sảo của Chủ tịch Quốc hội Vường Đình Huệ. “Cử tri mong muốn Bộ Tài chính chỉ rõ khó khăn gì mà chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá? Và đến khi nào giá sách giáo khoa có giá hài hòa, phù hợp lợi ích cả doanh nghiệp, phụ huynh?...”, đại biểu Châu Quỳnh Giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tranh luận.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tranh luận tại phiên chất vấn 

Giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực giao thông, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có khẳng định, chỉ có những dự án lớn mới xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Trong khi đó tại Kỳ họp này, Bộ lại tiếp tục trình thêm 5 dự án lớn tiếp theo. Như vậy, khả năng chậm tiến độ với các dự án này là hiện hữu. Đại biểu đề nghị “Bộ trưởng cho biết rõ, hiện tại trong cả nước có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực để thực hiện những dự án này? Và nếu tiếp tục không kịp tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trong vấn đề này ra sao?”

Không chỉ tranh luận với các Bộ trưởng/trưởng ngành, thẳng thắn tranh luận với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. “Cùng một thời điểm tính toán, tại sao số liệu giải ngân lại khác nhau. Đâu là kết quả chính xác Chính phủ đạt được...”, đại biểu bấm nút tranh luận.

Không khí tranh luận đã cho thấy sự quyết liệt của các đại biểu Quốc hội nhằm đi đến cùng vấn đề mà dư luận đang quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm đối với từng nội dung được đề cập trước Quốc hội. Từ sự trao đổi thẳng thắn, với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, việc tranh luận tại phiên chất vấn cũng giúp các tư lệnh ngành nhận diện  rõ  hơn những vấn đề còn bất cập, có các quyết sách phù hợp hơn trong điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Không chỉ vậy, tại các phiên thảo luận, cho ý kiến về nội dung còn ý kiến của các dự án luật hay các chủ trương lớn, không khí tranh luận giữa các đại biểu cũng diễn ra sôi nổi, cho thấy một quyết tâm chung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự luật cũng như quyết sách của Quốc hội.

Theo TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tranh luận tại nghị trường là một hoạt động rất quan trọng trong quy trình quản trị quốc gia. Trong nhiều mô hình thể chế, đây còn là hoạt động quan trọng nhất và thực chất nhất của nghị viện.

Chia sẻ về hoạt động tranh luận tại nghị viện các nước, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, nghị viện của bất kỳ quốc gia nào theo mô hình đại nghị, thì quyền thẩm định và thông qua luật (quyền lập pháp) chỉ là hình thức nhưng việc tranh luận về dự luật lại không phải như vậy. “Tranh luận là dịp để phe đối lập và các nghị sĩ độc lập đưa ra ý kiến phản biện về chính sách lập pháp được đề ra. Chính phủ và các nghị sĩ của đảng cầm quyền cũng có điều kiện để biện hộ cho chính sách đó. Việc tranh luận vì vậy sẽ làm rõ chính sách, nhờ đó mà quy trình chính sách cũng trở nên minh bạch; người dân và các tổ chức xã hội cũng có điều kiện nắm rõ chính sách và đóng góp ý kiến của mình. Hệ quả tiếp theo là dân chủ tham gia được tăng cường.”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tranh luận thực chất là một cuộc thảo luận chính thức tại nghị trường khi các vị đại biểu đưa ra ý kiến phản biện lại quan điểm của Chính phủ hoặc của các vị Bộ trưởng. Thực tiễn cho thấy, ở nước ta, các vị đại biểu tranh luận không chỉ với các vị bộ trưởng mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Đây là một điểm rất khác với nghị viện của nhiều nước trên thế giới. 

Theo GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa X,XI, tranh luận tại nghị trường góp phần làm phong phú thêm đời sống chính trị. Xuất phát từ đặc thù về tổ chức và hoạt động, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan dân cử, tranh luận là một phương thức hoạt động cơ bản, chủ yếu tại nghị trường, là biểu hiện của một cơ quan dân cử thật sự dân chủ, có năng lực làm sáng tỏ vấn đề để đưa ra quyết sách đạt đến độ an minh cần thiết thể hiện ý chí đa số.

Cho rằng, tranh luận là phương thức hoạt động quan trọng của các cơ quan dân cử, GS.TS Lê Ngọc Đường nhấn mạnh, tranh luận là phương thức quan trọng nhất để đại biểu dân cử thể hiện quan điểm, trình dộ của mình. Năng lực của một đại biểu thường được cử tri đánh giá, nhận xét thông qua các cuộc tranh luận của đại biểu tại kỳ họp. Tranh luận thường được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm nên có tác tác dụng sâu rộng.

Về vấn đề này, gần đây, tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 12/5) khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý đến vấn đề mở rộng dân chủ, chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận để làm rõ, truy đến cùng vấn đề./.

Lê Anh