PHÂN BIỆT RÕ HOẠT ĐỘNG THANH TRA VỚI KIỂM TRA THƯỜNG XUYÊN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

07/06/2022

Trình Quốc hội dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về hoạt động thanh tra, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Dự thảo Luật sửa đổi quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra được áp dụng theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra phù hợp với đặc điểm  quản lý của ngành, lĩnh vực. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ban hành quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, dự thảo Luật quy định việc xây dựng, ban hành Định hướng hoạt động thanh tra và kế hoạch thanh tra hằng năm nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước. Dự thảo Luật quy định việc ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra và việc thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra được thực hiện khi cần thiết.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật quy định cụ thể việc tiến hành thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra; dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra… Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; các quyền trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra; thành viên Đoàn thanh tra. Đồng thời, xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cùng với đó, Dự thảo Luật quy định việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, như: nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó.

Dự thảo Luật quy định việc xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra, trong đó quy định việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra phải bảo đảm chất lượng, tính chính xác, khách quan của các kết luận, kiến nghị. Dự thảo Luật quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp thành viên Đoàn thanh tra.

Về thực hiện Kết luận thanh tra, dự thảo Luật quy định rõ giá trị pháp lý của Kết luận thanh tra là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra; là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước. Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo việc thực hiện Kết luận thanh tra, trách nhiệm của người ban hành Kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra trong việc thực hiện Kết luận thanh tra.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với nội dung về việc phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước, Dự thảo Luật quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.

Về chống chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, dự thảo Luật quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Kế hoạch thanh tra hằng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Thêm vào đó, về chống chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, về Thanh tra nhân dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng, trình Quốc hội thông qua cùng với dự án Luật thanh tra (sửa đổi) và đã được sự nhất trí của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Hồ Hương