Tập trung hoàn thành đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2025
Phát biểu tại Tổ 19 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Bình Dương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội đã thảo luận rất kỹ về đường Hồ Chí Minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, kể cả một số địa phương nơi tuyến đường đi qua đã có rất nhiều cố gắng trong việc triển khai dự án. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia. Việc cơ bản hoàn thành dự án góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ. Việc thông được toàn tuyến quy mô 2 làn xe thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt đối với đồng bào vùng chiến khu, vùng kháng chiến, vùng căn cứ cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn một số đoạn chưa thông toàn tuyến, giao cho Chính phủ đánh giá lại một cách kỹ lưỡng, có những kiến nghị cụ thể. Do đó, trong báo cáo trình Quốc hội lần này, Chính phủ đã thực hiện đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo rất đầy đủ, chi tiết. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã thực hiện rất nghiêm túc yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời bày tỏ sự nhất trí với đề nghị Chính phủ sẽ trình Quốc hội và mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ để đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội thông qua lần này.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trước mắt sắp xếp lại kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để cân đối đầy đủ nguồn vốn đó để tập trung cho những đoạn cần phải hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó có các đoạn như Chính phủ đề nghị gồm: đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận kết nối giao thông đồng bằng sông Cửu Long. Làm được 2 đoạn này sẽ thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh 2 làn xe, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ngoài ra, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát làm rõ thêm đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến. Chính phủ báo cáo trong giai đoạn 2020-2025 chưa làm đoạn này nhưng sẽ tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21 để thông qua đó kết nối và nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe. Như vậy giai đoạn 2020-2025 cũng thông được toàn tuyến 2 làn xe.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ lưu ý việc đầu tư các đoạn này phải đồng thời chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở các đoạn đã đầu tư; phải bảo đảm cân đối vốn và bố trí vốn, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thường vụ, báo cáo Quốc hội; chú ý công tác giải phóng mặt bằng và vấn đề vật liệu san lấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Liên quan đến thực trạng thiếu vật liệu san lập, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vật liệu san lấp là đá, là đất. Trong khi mỏ đá, mỏ đất lại cấp cho doanh nghiệp và chỉ thu thuế tài nguyên. Sau đó doanh nghiệp lại bán lại cho những người có nhu cầu. Cuối cùng khi Nhà nước làm đường lại đi mua lại của doanh nghiệp và có khi doanh nghiệp lợi dụng tăng giá. Do đó, khắc phục vấn đề này, chủ trương là cấp phép cho đơn vị thi công trong thời hạn làm con đường, trong quy hoạch và trong quy mô thời gian để sử dụng luôn mỏ với khối lượng cân đối. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng như vậy tạo thuận lợi hơn và khắc phục được các quy định hiện nay. Vì vậy đề nghị các cơ quan khẩn trương nghiên cứu chỉ đạo thực hiện.
Cơ chế chính sách đặc thù cho Khánh Hòa – giao quyền cũng là giao trách nhiệm
Về nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2012 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 53 về những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển tỉnh Khánh Hòa để xây dựng Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương. Từ Kết luận 53 năm 2012, cách đây đúng 10 năm, nhưng kết luận đấy chỉ là kết luận có tầm chính trị, không được thể chế hóa về mặt pháp luật, không trình Quốc hội có nghị quyết đặc thù, Chính phủ cũng không có nghị quyết gì đặc thù cho Khánh Hòa. Mặc dù vậy Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Khánh Hòa cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành vẫn thực hiện các cơ chế chính sách chung của cả nước. Từ đó, trong những năm qua, Khánh Hòa có sự vươn lên mạnh mẽ. Đã có lúc vươn lên là một trong 14 tỉnh nộp ngân sách trung ương và hiện nay vẫn nằm trong danh sách 16, 17 tỉnh nộp ngân sách trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đĩnh cho biết Khánh Hòa có đặc thù: Một là huyện đảo Trường Sa là vùng đặc biệt quan trọng chiến lược an ninh quốc phòng. Hai là khu căn cứ quân sự Cam Ranh. Ba là Khu kinh tế Vân Phong.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Nghị quyết đặc thù cho Khánh Hòa là một trong những văn bản thể chế hóa nhanh nhất. Làm rõ một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý giao quyền nhưng cũng là giao trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết so với các nghị quyết của các tỉnh, thành phố khác thì Khánh Hòa cũng đã có một số chính sách đặc thù hơn và tới đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Khánh Hòa phải thực hiện theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Quốc hội thể chế hóa nội dung này./.