Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 11
Dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với 02 làn xe. Qua 18 năm thực hiện 02 Nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập. Đó là đến cuối năm 2021, dự án vẫn đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để triển khai, nối thông toàn tuyến; trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Tờ trình đã tổng kết cơ bản và toàn diện quá trình triển khai Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đánh giá được những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, tồn tại, phân tích rõ nguyên nhân và đưa ra được một số mục tiêu, giải pháp, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục hoàn thiện dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo. Hệ thống phụ lục kèm theo Báo cáo cơ bản đầy đủ, chi tiết, góp phần cung cấp thông tin cần thiết cho việc xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, việc đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng về lịch sử, chiến lược an ninh, quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh tuyến đường đi qua, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn ở miền núi phía bắc và khu vực phía tây.
Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng
Góp ý cụ thể về nội dung này, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nêu rõ, tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 66/2013/QH13 quy định, sau khi nối thông toàn tuyến, Chính phủ có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Dự án và dự toán tổng mức đầu tư, xây dựng kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn sau năm 2020 để Báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, tiến độ triển khai Dự án còn chậm, đặc biệt là giai đoạn 2017-2021 chỉ hoàn thành 8% khối lượng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 38/2004/QH11 đặt mục tiêu đến năm 2010 đầu tư để nối thông đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), từ năm 2010 đến năm 2020 nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu nối thông toàn tuyến vẫn chưa đạt được, vẫn còn 4 dự án thành phần đang đầu tư và 3 dự án thành phần chưa được bố trí vốn.
Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 38/2004/QH11 và Nghị quyết số 66/2013/QH13 đề ra, đại biểu Nguyễn Đình Việt nhất trí với việc cần tiếp tục triển khai dự án và đề xuất đưa nội dung về Dự án này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp. Đại biểu đề nghị, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành Dự án trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đồng thời, cần làm rõ các nội dung mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đặt ra.
Bên cạnh đó, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã đặt ra mục tiêu “Nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Tuy nhiên, qua đối chiếu với Phụ lục 1 của Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-Ttg, thời hạn hoàn thành dự án đối với một số dự án trong các văn bản này đang không thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc trong Báo cáo để phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước
Cùng với đó, đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, sau 18 năm triển khai thực hiện mới đạt được 86% khối lượng, về dự toán đạt được 70%, trong đó giai đoạn 2017-2021 chỉ hoàn thành 8% khối lượng. Đại biểu nêu rõ, công tác đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục những bất cập kéo dài thời điểm đó chưa đầy đủ và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nhấn mạnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 đã đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành là vào năm 2010, và từ năm 2010 đến năm 2020 nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng kết quả hiện nay về mục tiêu cơ bản, tiến độ, khối lượng công việc đều không đạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá sâu hơn về kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 để rút kinh nghiệm cho việc triển khai trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá sâu hơn về sự chuẩn bị, đánh giá tác động và các chỉ số dự báo.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong 3 dự án thành phần còn lại chưa được bố trí vốn, đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 xác định đầu tư theo hình thức BOT nhưng đoạn này lại song song với tuyến quốc lộ 32 và quốc lộ 21 nên không hiệu quả, không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến lại trùng với cao tốc phía tây mới được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-Ttg. Do đó, các đại biểu đề nghị làm rõ tuyến đường này có thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh nữa không; đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ việc có tiếp tục đầu tư đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến hay không, nếu có thì hình thức đầu tư như nào./.