BẢO ĐẢM KHẢ THI VÀ HIỆU QUẢ KHI ĐƯA CÁC QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀO CUỘC SỐNG

20/05/2022

Tham gia góp ý tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng các quy định mới trong dự thảo Luật là tiền đề để triển khai lâu dài công tác phòng, chống bạo lực gia đình, do đó, cần cân nhắc kỹ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm khả thi và hiệu quả khi đưa các quy định vào cuộc sống.

 

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những giải pháp quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em thoát khỏi các hành vi bạo lực, góp phần xây dựng một xã hội mà ở đó các chức năng giáo dục trong gia đình được chú trọng, các thành viên trong gia đình thực sự yêu thương, gắn bó và sống có trách nhiệm với nhau. Gia đình được trở về với đúng nghĩa của nó “mái ấm gia đình” là hạt nhân tốt đẹp của xã hội bình yên, khởi nguồn tốt nhất cho sự hình thành và phát triển toàn diện: Năng lực, thể chất, tinh thần, trí tuệ và nhân cách. Đây là yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trước mắt cũng như lâu dài.

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng có hiệu quả đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ( sửa đổi) đã thể hiện được các chính sách lớn đặt ra đối với công tác này, bao gồm: Hoàn thiện các biện pháp bảo vệ  và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình; Tăng cường các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam cho rằng, về một số quy định mới, dự thảo Luật này đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác này. Trong đó, nhiều quy định được bổ sung mới của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) mang tính bền vững như “giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình” (Điều 25),  “Hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình” (Điều 26).  Nhiều  quy định có tính mở nhằm phù hợp với sự phát triển của thực tiễn như “Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” (Điều 47)…

Theo TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia, những quy định mới này chưa được áp dụng trong thực tiễn, nhưng là tiền đề để triển khai lâu dài công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, để thực hiện những quy định mới cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm khả thi và hiệu quả khi đưa các quy định vào cuộc sống.

Về các quy định bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ rõ, những quy định tại Khoản 2 Điều 30 và các quy định khác Mục 2 Chương III của Dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu để bảo vệ toàn diện quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có nhu cầu chính đáng của người bị bạo lực gia đình nhất là phụ nữ và trẻ em. Việc bố trí nơi tạm lánh khi người bị bạo lực gia đình, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nếu họ có nhu cầu là cần thiết, nhưng ngược lại quy định này lại cho phép kẻ có hành vi bạo lực  không phải chịu những điều kiện bất lợi do hậu quả hành vi gây ra. Do đó các chuyên gia kiến nghị cần nghiên cứu thêm để bảo đảm bình đẳng giới khi dự liệu quy định này.

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam

Về đối tượng gây bạo lực gia đình, nhấn mạnh đây là vấn đề được dư luận quan tâm, cần được xem xét, các chuyên gia cho rằng Dự thảo cần dự liệu đến những trường hợp hiện nay đang gặp phải như những vụ việc trẻ em gánh chịu cảnh bạo hành do bạn gái của cha hoặc bạn trai của mẹ gây ra. Người sai phạm không phải mẹ kế hay cha dượng nạn nhân,mà là người có quan hệ tình cảm với cha, mẹ bị hại… Ngoài các biện pháp xử lý hình sự, biện pháp xử lý hành chính, cũng cần có các biện pháp răn đe đối với những hành vi chưa đến các mức độ xử lý hình sự và hành chính để ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình.

Về vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia cho biết, phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động khó khăn, phức tạp, liên quan với quan hệ huyết thống, hôn nhân, gia đình, mối quan hệ kinh tế của các thành viên gia đình, truyền thống, văn hóa, tập quán của từng địa phương, dân tộc, vùng miền… Do đó việc huy động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động đến các tế bào xã hội, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác này. Đây là một trong những giải pháp lâu dài và có hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Theo TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia, Dự thảo Luật cần có những quy định nhằm hình thành cơ chế, xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng huy động các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia hỗ trợ, tư vấn, hoà giải các mâu thuẫn, bạo lực gia đình nhất là đội ngũ các luật gia, luật sư, các nhà tâm lý,… Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tư vấn, hòa giải các các vụ bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em cho những người tham gia hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có có các tư vấn viên pháp lý, hòa giải viên ở cơ sở… Khuyến khích các tổ chức tư vấn của Hội luật gia, Hội phụ nữ và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia mạnh mẽ và hoạt động tư vấn trong lĩnh vực này. Đây là một lực đông đảo, có tiềm năng kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn đáp ứng yêu cầu phòng, chống bạo lực gia đình.

Về công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của cả hệ thống chính dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên trong dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, một số tổ chức chính trị, mà chưa xác định trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng chống bạo lực gia đình của các tổ chức, đơn vị đối với thành viên, hội viên của tổ chức, đơn vị mình và các tầng lớp nhân dân.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có chiến dịch dài hạn về truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ  và toàn thể nhân dân về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ tư tưởng  tiêu cực trọng nam khinh nữ trong các gia đình, dòng họ, và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chiến dịch này nên được lồng ghép trong giáo dục phổ thông, nhằm thay đổi quan niệm về giới và các quan hệ quyền lực trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, chuẩn hóa các cơ chế giám sát để đánh giá tác động của những biện pháp can thiệp và bổ sung kịp thời các biện pháp mới. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến đến từng nhóm đối tượng về phòng chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng truyền thông và có tài liệu dành cho từng nhóm xã hội riêng.

Ngoài ra, TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia cho rằng cần đầu tư thỏa đáng cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, cần có cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực xã hội, sự đóng góp của cá nhân và tổ chức cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Bảo đảm nguồn lực hoạt động thường xuyên, bền vững là yếu tố triển khai mạnh mẽ và hiệu quả của các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. 

Hồ Hương

Các bài viết khác