Phó Giám đốc Trung tâm tin học Nguyễn Đại Vũ
Báo cáo việc xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử tại phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án, Phó Giám đốc Trung tâm tin học Nguyễn Đại Vũ cho biết, xác định rõ yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội gắn liền với việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào hỗ trợ các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, ngày 19/10/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 588/NQ-UBTVQH14 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Ngày 10/02/2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH15 kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề án đã thuê tư vấn xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, triển khai các hệ thống ứng dụng, triển khai hạ tầng và thiết bị Công nghệ thông tin.
Về việc triển khai hệ thóng ứng dụng, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội phối hợp nghiên cứu triển khai vận hành thử các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 3/2019, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp xây dựng và đưa vào sử dụng 05 ứng dụng chạy trên các thiết bị di động gồm: ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu qua thiết bị di động cho các đại biểu Quốc hội; ứng dụng cung cấp các thông tin, báo cáo, hỗ trợ điều hành – chỉ đạo cho đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp Quốc hội; ứng dụng tổng hợp thông tin báo chí và mạng xã hội; ứng dụng giúp các đại biểu Quốc hội trao đổi công việc với nhau; Hệ thống ứng dụng nhận dạng tiếng nói thành văn bản. Các ứng dụng được các đại biểu Quốc hội khai thác rộng rãi, mang lại hiệu quả tốt, được đánh giá cao.
Về việc triển khai hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin, Văn phòng Quốc hội cùng một số doanh nghiệp đã triển khai các thiết bị, máy móc để xây dựng hạ tầng công nghệ bảo đảm hoạt động của những ứng dụng trên, bao gồm hạ tầng mạng không dây wifi, thiết kế cấu hình đảm bảo an ninh, lắp đặt thiết bị phát sóng wifi trong phòng họp Diên Hồng, phòng họp Tân Trào, các phòng họp tổ và phòng phục vụ kỹ thuật Tòa nhà Quốc hội; triển khai các máy tính bảng phục vụ các đại biểu Quốc hội; triển khai kết nối Internet cho hệ thóng mạng không dây và máy tính điều khiển tại phòng Trung tâm Điều hành Quốc hội điện tử để phục vụ các buổi họp trực tuyến; triển khai hệ thống kết nối mạng và tín hiệu hình ảnh nội bộ phục vụ hiển thị tại phòng Diên Hồng.
Toàn cảnh phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử
Qua các hoạt động trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại các cơ quan của Quốc hội đã bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng từng ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác và trao đổi thông tin phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả của các công tác chuyên môn của Văn phòng Quốc hội nhằm phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử để tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Quốc hội thúc đẩy việc xây dựng Quốc hội điện tử nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động của Quốc hội
Tuy nhiên, hạ tầng và năng lực về công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội mới chỉ đáp ứng tạm thời các nhu cầu trước mắt. Các hoạt động của Quốc hội có đặc thù riêng đặc trưng riêng, vì vậy khi xác định nhu cầu và xây dựng yêu cầu về Quốc hội điện tử cần có sự tham gia xây dựng và góp ý của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các vụ của Văn phòng Quốc hội.
Đối với phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm tin học nhấn mạnh cần hoàn thiện, xây dựng và ban hành Khung kiến trúc Quốc hội điện tử, tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển Quốc hội điện tử được đồng bộ, không bị chồng lấn, lãng phí, đặc biệt là việc đầu tư mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn.
Cùng với đó, cần xây dựng mới hệ thống phần mềm Quản lý và điều hành văn bản điện tử và kết nối liên thông văn bản quốc gia hỗ trợ công tác quản lý điều hành; xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, hỗ trợ tiếp nhận và phản hồi kiến nghị, khiếu nại của cử tri; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ Intranet của Văn phòng Quốc hội nhằm tạo lập một môi trường làm việc điện tử và tích hợp các cơ sở dữ liệu thành kho dữ liệu dùng chung của Văn phòng Quốc hội.
Ngoài ra, cần triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; tiếp tục hợp tác với các công ty cung cấp giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin để tìm hiểu giải pháp công nghệ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của Văn phòng Quốc hội để phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.