Tuyên bố chung thông qua tại đây thể hiện quan điểm của các nhà lãnh đạo APEC về tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị như về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch, vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới; Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Thủ tướng John Howard và gặp gỡ đại diện cộng động Việt kiều tại Australia
Tại phiên họp này, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận các chủ đề: hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương; cải cách cơ cấu; an ninh con người; cải cách APEC và việc mở rộng APEC.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho đây là việc tiếp nối một cách hiệu quả những thoả thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội năm 2006. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kiến nghị việc nghiên cứu cách thức và phương tiện thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương cần được đặt trên nền tảng cơ bản của APEC là hỗ trợ Tổ chức Thương mại Thế giới và Mục tiêu Bogor về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại đầu tư, đồng thời APEC cần dành ưu tiên về nguồn lực để thực hiện những mục tiêu cơ bản này trước khi đi sâu vào các sáng kiến hội nhập khu vực khác.
Đề cập vấn đề an ninh con người, Chủ tịch nước Nguyễn Minh nêu rõ, an ninh con người là vấn đề mang tính sống còn, gắn liền với sự ổn định và thịnh vượng của mọi quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố, ủng hộ những nỗ lực của APEC nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị các sáng kiến của APEC về chống khủng bố cần đi kèm với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để bảo đảm sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của tất cả các thành viên. Đối với việc phòng chống thiên tai, dịch bệnh, từ kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề xuất việc tăng cường chia sẻ thông tin, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các hiểm hoạ. Chủ tịch nước cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển trong APEC dành nhiều hỗ trợ hơn nữa cho các nền kinh tế đang phát triển nhằm phòng chống hiệu quả thiên tai, dịch bệnh.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố chung. Các nhà lãnh đạo APEC hài lòng trước sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng sự cam kết về hội nhập kinh tế khu vực, các thị trường mở và tự do, và an ninh con người đã đóng góp lớn vào sức mạnh của các nền kinh tế đồng thời cải thiện đáng kể phúc lợi và thịnh vượng của người dân.
Tuyên bố chung thể hiện quan điểm của các nhà lãnh đạo APEC về tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị như về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch, vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới, hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường an ninh con người, củng cố APEC. Về việc hội nhập kinh tế khu vực, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tăng cường nỗ lực để đạt được mục tiêu này bằng cách: Giảm hơn nữa các rào cản thương mại và đầu tư, thông qua các hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại khu vực; Cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường kinh doanh khu vực, bao gồm các thị trường vốn; Thúc đẩy hội nhập trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, viễn thông, khai khoáng và năng lượng.
Các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết chống tham nhũng và thông qua Các Nguyên tắc bổ sung về chống tham nhũng cho khu vực tư nhân và nhà nước cùng với các bộ quy tắc ứng xử đi kèm, và khuyến khích thực hiện đầy đủ những biện pháp thực tiễn này để chống tham nhũng.
Về an ninh con người, các nhà lãnh đạo APEC cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức đang đặt ra như khủng bố, dịch bệnh, thiên tai và vấn đề an toàn thực phẩm. Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường các tiêu chuẩn và thông lệ về an toàn thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng trong khu vực.
Kết thúc Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh lời mời của Tổng thống Peru dự hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16 tại Lima, thủ đô của Peru vào năm 2008.
** Bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15, sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Thủ tướng Australia John Howard.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng Australia đã tổ chức rất hoàn hảo các sự kiện của năm APEC 2007; đánh giá cao chủ đề mà Australia đưa ra, nhất là vấn đề an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Australia.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn Chính phủ Australia đã tăng viện trợ ODA dành cho Việt Nam, tạo điều kiện cho cộng đường người Việt đang làm ăn sinh sống tại Australia. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị với Thủ tướng John Howard về việc trong thời gian tới, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục đào tạo, thương mại, đầu tư, hai bên cần dành ưu tiên cho việc trao đổi văn hoá và thúc đẩy hợp tác về lao động. Việt Nam đang có tiềm lực lao động lớn trong khi Australia đang có nhu cầu cao về lao động.
Thủ tướng Australia John Howard hoan nghênh các ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Thủ tướng John Howard cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm giúp Australia tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15. Ông Howard nhắc lại những ấn tượng sâu sắc về một đất nước Việt Nam an toàn và hiếu khách khi ông tới dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tại Hà Nội. Thủ tướng Howard nhấn mạnh, Australia cũng rất coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và sẽ tiếp tục ưu tiên viện trợ ODA cho Việt Nam.
** Cũng trong buổi sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ với đại diện bà con Việt kiều đang làm ăn, sinh sống tại Australia. Nói chuyện với bà con Việt kiều, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn bà con đoàn kết, xoá bỏ định kiến, mặc cảm để cùng hướng về quê cha đất tổ, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn trân trọng những tình cảm và đóng góp của bà con Việt kiều ở nước ngoài. Nhà nước đã, đang và sẽ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình đối với kiều bào bằng việc tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách, đáp ứng ngày càng tốt hơn mong muốn của bà con, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho bà con hội nhập vào xã hội sở tại và hướng về quê hương.
Đại diện bà con Việt kiều tại Australia phát biểu hoan nghênh Nhà nước ta từ 1/9 vừa qua đã thực hiện miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện cho bà con về thăm quê hương và đầu tư làm ăn.
Cộng đồng người Việt Nam ở Australia hiện có gần 250.000 người. Phần đông bà con hướng về quê hương, mong muốn đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng đất nước./.