Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND nói chung, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở nói riêng trong thời gian tới, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng 3 dự án luật, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân: Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm của 3 dự án luật.
Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các ý kiến tham luận cơ bản đồng tình về bố cục, nội dung được đề cập trong dự thảo. Theo đó, dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở với lực lượng công an xã, lực lượng dân quân tự vệ và các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT.
Trung tá Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng Công an TP. Hà Tĩnh: Việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu.
Liên quan đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các ý kiến cho rằng, lĩnh vực “đường bộ” và “trật tự, an toàn giao thông” rất lớn nhưng đang điều chỉnh trong cùng một đạo luật là Luật Giao thông đường bộ nên chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về từng lĩnh vực, từng yếu tố cấu thành hoạt động giao thông.
Do đó, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chuyên sâu. Qua đó, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực là trật tự, an toàn giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực được phân công.
Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa trao đổi các nội dung liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đã thể chế hóa đường lối, chính sách trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công an nhân dân theo Hiến pháp 2013; hoàn thiện cơ sở pháp lý về chế độ, chính sách đối với lực lượng công an nhân dân; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động;
Khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc; bổ sung số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác...
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh trao đổi, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm xung quanh 3 dự án luật.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá cao vai trò chủ động tham mưu của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc xây dựng 3 dự án luật và cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi tọa đàm.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu đầy đủ. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp Nhân dân để bổ sung, hoàn thiện vào các dự án luật.