Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh.
Tham dự Hội nghị còn có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh. Về phía Chính phủ có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ thuộc Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác dân tộc và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng việc Hội đồng Dân tộc cùng Ủy ban Dân tộc đã và đang tăng cường mối liên hệ, phối hợp công tác như sự chủ động phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả giữa Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh hai bên đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 với nội dung khá toàn diện.
Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương về những nỗ lực, kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc trong năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2016-2021 nói chung, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh hai bên đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, nội dung khá toàn diện, gồm 5 nhóm nội dung, cụ thể thành 14 đầu công việc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng các nôi dung đề ra sát với thực tiễn, sát với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội cũng như Chương trình hành động của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã rà soát trong 107 nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có 11 nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến công tác phối hợp của Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có 138 nhiệm vụ cụ thể, Ủy ban Dân tộc được giao ở nhiệm vụ thứ 82 là xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều nhiệm vụ khác mà Ủy ban Dân tộc phải phối hợp với các Bộ, cơ quan.
Hiện nước ta có hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng 3 triệu hộ, cư trú ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung; chiếm 3/4 diện tích cả nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là khu vực vẫn còn tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: (1) vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất (2) chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất (3) kinh tế, xã hội phát triển chậm nhất (4) tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất (5) tỷ lệ người nghèo cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, tình trạng du canh, du cư, di dân tự do vẫn còn diễn biến phức tạp; điện, đường, trường, trạm, dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn; chất lượng, hiệu quả về giáo dục đào tạo còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; bản sắc văn hóa tốt đẹp của một số dân tộc đang dần bị mai một; một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển; các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng đồng bào để kích động, phá hoại gây mất ổn định chính trị, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Lưu ý các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nhiệm vụ, công việc còn rất nặng nề, ngoài việc phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan, đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội. Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, 5 nhiệm vụ Quốc hội giao cơ bản đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, 10 giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội có những giải pháp đã thực hiện được nhưng còn có những giải pháp thực hiện chưa thật đầy đủ, chưa tốt.
Thứ hai, nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc, điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc.
Thứ ba, phối hợp nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh phân định miền núi, vùng cao, phục vụ cho việc hoạch định chính sách dân tộc; đồng thời tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách dân tộc và công tác dân tộc.
Thứ tư, kịp thời phát hiện, chỉ ra những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ năm, thường xuyên nắm tình hình nhân dân, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Thứ sáu, công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, vì vậy phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và của toàn xã hội.
Thứ bảy, mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý trong phần tổ chức thực hiện của Quy chế phối hợp đã nêu cần phải cụ thể hơn nữa: việc gì làm trước, làm sau; ai chịu trách nhiệm chính; lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng rằng, hai cơ quan sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện tốt những nội dung đã cam kết, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại diện lãnh đạo hai cơ quan, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tiến hành ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa 2 cơ quan giai đoạn 2022-2026.
Dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại diện lãnh đạo hai cơ quan, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tiến hành ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa 2 cơ quan giai đoạn 2022-2026.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế đã đạt được kết quả thiết thực đó là: các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.
Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp là đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Hội nghị nhằm tập trung thảo luận những nguyên nhân của tồn tại hạn chế, đồng thời đánh giá, kế thừa những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó để xây dựng hoàn thiện Quy chế hoạt động phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2026 với quan điểm nhất quán đó là:
- Hai cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho về xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra; tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Nội dung Quy chế phối hợp phù hợp, bám sát các nội dung, chương trình, nhiệm vụ của 2 cơ quan trong giai đoạn 2022 - 2026 và của từng năm.
- Quy chế phối hợp cần được quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
- Trên cơ sở Quy chế phối hợp, hai bên tăng cường các hoạt động chỉ đạo, phối hợp hoạt động một cách thường xuyên, chủ động, tích cực, hiệu quả.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan trình bày Dự thảo Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2022-2026. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Dự thảo Báo cáo tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021 và Dự thảo Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2022-2026./.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng sự ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2022-2026.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết, dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp giữa 2 cơ quan là đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó.
Thường trực Hội đồng Dân tộc tham dự Hội nghị.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đánh giá cao Báo cáo tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021.