CHỦ NHIỆM UỶ BAN XÃ HỘI NGUYỄN THUÝ ANH: PHÁT HUY TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, ĐOÀN KẾT, NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

31/01/2022

Năm 2021 đánh dấu thời điểm Ủy ban Về các vấn đề xã hội chính thức đổi tên thành “Ủy ban Xã hội” và cũng là Năm tổ chức, bộ máy của Ủy ban nhiệm kỳ khóa XV được kiện toàn, thông qua Quy chế hoạt động. Dù gặp nhiều khó khắn do đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần chủ động, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tập thể Uỷ ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước khi đón chào một Năm mới – năm Nhâm Dần 2022

 

Năm 2021 đánh dấu thời điểm Ủy ban về các vấn đề Xã hội chính thức đổi tên thành “Ủy ban Xã hội” và cũng là Năm tổ chức, bộ máy của Ủy ban nhiệm kỳ khóa XV được kiện toàn, thông qua Quy chế hoạt động. Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Ủy ban Xã hội đã ra mắt gồm tổng số 46 thành viên.

Kế thừa kết quả hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, từ Kỳ họp thứ nhất đến nay, Ủy ban Xã hội đã tổ chức 05 phiên họp toàn thể. Trước tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt của đất nước, trong đó có lĩnh vực xã hội khiến khối lượng công việc của Ủy ban ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, Ủy ban luôn bảo đảm hoàn thành tiến độ công việc, hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo các chương trình, kế hoạch công tác năm 2021 đã đề ra.

Để hiểu hơn về những kết quả nổi bật của Uỷ ban trong năm qua cũng như kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trước thềm năm mới – Năm Nhâm Dần 2022.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh 

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) được Ủy ban Xã hội thẩm tra là một trong những dự án Luật đầu tay của Quốc hội khóa XV. Với tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, Ủy ban đã nỗ lực như thế nào trong việc thẩm tra dự án luật này?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Như quý vị đã biết, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một trong những dự án Luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Đây là dự án Luật có phạm vi sửa đổi toàn diện và tính chất phức tạp của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật với nhiều nội dung chính sách cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và tham vấn sâu rộng ý kiến của các đối tượng chịu tác động, các tầng lớp nhân dân nhằm không chỉ định hướng mà còn tạo sự đồng thuận của xã hội.

Thường trực Ủy ban xác định, việc sửa đổi lần này phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng và toàn diện để đảm bảo cho luật sau khi được ban hành tạo ra được một bước chuyển biến tích cực và rõ rệt trong công tác thi đua và khen thưởng, nhất là khắc phục cho được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong tổ chức thi đua, khen thưởng. Vì vậy, mặc dù dự án Luật đã được Quốc hội quyết định trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nhưng với những nội dung Chính phủ đề xuất, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV đã đề nghị Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến sang kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV để bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Ngay sau khi được Quốc hội thống nhất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, với sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm bảo đảm cho quá trình xây dựng dự án luật này phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu để hiện thực hóa được tầm nhìn cũng như là các định hướng, các chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tiến hành một số hoạt động lớn nhằm phục vụ việc thẩm tra dự án Luật: (i) Tổ chức nhiều buổi làm việc với Ban soạn thảo về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật; (ii) Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật, tọa đàm chuyên gia về từng nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật; (iii) làm việc với một số bộ, ngành có liên quan về nội dung dự án Luật; (iv) tổ chức cuộc họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra, với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội để thẩm tra sơ bộ; (v) 02 cuộc họp báo cáo Lãnh đạo Quốc hội về một số nội dung của dự án Luật. Sau khi dự án Luật trình Quốc hội, trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan của Quốc hội, một số Bộ, ngành có liên quan để rà soát, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 7 (tháng 01/2022).

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số Bộ, ngành có liên quan để tiếp tục hoàn chỉnh nội dung của dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội vào cuối tháng 02/2022.

Phóng viên: Năm 2021 là năm dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, trong đó có vấn đề xã hội, do đó đây cũng là năm khối lượng công việc của Ủy ban rất lớn và áp lực hơn. Đáng chú ý, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra gấp rút Nghị quyết 30 với những nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp trình ra Quốc hội, nhìn lại quá trình này bà có chia sẻ gì?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Năm 2021 là năm thứ 2 kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam và đã có những diễn biến tiếp tục vô cùng phức tạp về dịch bệnh cả trên thế giới và tại Việt Nam với biến chủng mới có độ lây lan nhanh chóng với số ca mắc và số ca tử vong tăng "đột biến". Từ đầu năm 2021, đợt dịch thứ 3 đã bùng phát tại Hải Dương rồi lan ra 12 tỉnh/ thành phố khác. Nhờ sự quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, chỉ sau đó một thời gian, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ 3. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, từ 27/4/2021, Việt Nam lại bước vào đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng nhất tại nước ta đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật có liên quan, chưa có tiền lệ để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, áp dụng những biện pháp chống dịch về cách ly xã hội, giãn cách xã hội, thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn vắc xin để tiêm phòng cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vắc xin rất khan hiếm, v.v... để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả,

Luôn đồng hành với Chính phủ, ngay khi Chính phủ có Tờ trình số 260/TTr-CP và Tờ trình số 262/TTr-CP về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội được gửi đến Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đã phân công Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra Tờ trình này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Ngay lập tức, Ủy ban Xã hội đã khẩn trương tiến hành một loạt các hoạt động nhằm gấp rút thẩm tra Tờ trình của Chính phủ.

Qua thẩm trra, Ủy ban Xã hội thấy rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ, tuy nhiên, một số Luật và Pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên một số quy định chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, đã khống chế thành công ba đợt dịch và đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Trong bối cảnh cấp bách tại thời điểm đó và dự báo tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về nội dung này bày tỏ sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các Ủy ban của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp số 30/2021/QH15 trong đó Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19. Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội, sớm tạo nguồn vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng, cụ thể như các giải pháp về tài chính, kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt là các biện pháp về y tế được quan tâm rất lớn như “ngoại giao vắc xin”, tạo cơ chế để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu vắc xin…, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư cho nguồn nhân lực, vật lực  phục vụ công tác phòng, chống COVID-19.

Cùng với Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã tranh thủ các diễn đàn song phương và đa phương để tham gia tích cực vào chiến dịch “ngoại giao vắc xin”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ Công tác về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 liên quan đến phòng, chống COVID-19 (Tổ Công tác 24/7) và phân công Ủy ban Xã hội là cơ quan thường trực để theo dõi, nắm tình hình dư luận, đời sống xã hội cũng như công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương để vào cuộc từ sớm, từ xa thông qua việc họp hằng tuần cũng như qua việc tiếp nhận các báo cáo, thông tin đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương gửi về hằng tuần.

Có thể nói rằng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 là Nghị quyết ban hành những quyết sách chưa có tiền lệ, Quốc hội quyết nghị về vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa mới, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước, thể hiện sự đồng hành, sát cánh với Chính phủ của Quốc hội cũng như cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, với cơ sở pháp lý vững chắc là Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021 chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại.

Sau nghị quyết 30 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ của Quốc hội.

Liền sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách  phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trơ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (tức lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác là những đối tượng rất khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ sớm. Sau khi được triển khai cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách.

Sau nghị quyết 286 là nghị quyết 03 ra đời. Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại hai phiên họp khẩn và gần như ngay lập tức đi vào cuộc sống, được doanh nghiệp, người lao động, người dân đồng tình, đánh giá cao. Gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng, được hoàn thành trong vòng 1,5 tháng.  Việc triển khai gói hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp đỡ được một phần chi phí còn người lao động cũng thêm khoản hỗ trợ cho cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh .

Đến nay cả nước đã có gần 13 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động và người sử dụng lao động đều rất phấn khởi vì các gói hỗ trợ đến đúng lúc khó khăn, giúp đơn vị có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Qua đó, thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, đồng thời củng cố thêm niềm tin của NLĐ vào chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Xin Chủ nhiệm cho biết phương hướng hoạt động của Uỷ ban Xã hội trong năm 2022?

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do đó trong lĩnh vực y tế cũng như các lĩnh vực khác của đời sống sẽ cần có những chuyển biến mạnh mẽ. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, dịch COVID-19 năm 2022 có thể là năm thế giới kết thúc giai đoạn cấp tính nhưng cũng có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Trong trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Xã hội đã tiến hành xây dựng, hoàn thành, báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội khóa XIV “Đề án việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về chính sách xã hội và các nhiệm vụ tiếp tục đặt ra trong thời gian tới”. Đây là sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội và cùng với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban đã xây dựng phương hướng nhiệm của Ủy ban trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cụ thể:

Trong công tác lập pháp: (1) Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt chú trọng việc chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân;

(2) Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật, bao gồm: Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và các quan hệ xã hội mới phát sinh, quan hệ xã hội đã phát sinh nhưng chưa có luật điều chỉnh (như chuyển đổi giới tính, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, trang thiết bị y tế …);  để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết liên quan;

(3) Trong quá trình nghiên cứu để kiến nghị xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đáp ứng sự phát triển xã hội, quan tâm đến các nội dung sau: (i) Tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, hướng đến việc làm bền vững, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động; quan tâm hơn nữa đến lao động khu vực phi chính thức, lao động trong một số ngành nghề mới gắn với những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; (ii) Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường năng lực và vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng; bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; tận dụng cơ hội dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; chất lượng dân số; phân bổ dân cư; vấn đề  dân di cư; (iii) Tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nghèo bền vững, thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau; phấn đấu không để tình trạng người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo...; (iv) Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực; pháp luật về thi đua, khen thưởng cần tạo động lực để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, khen thưởng xứng đáng với thành tích, công lao cống hiến, trực tiếp đối với người lao động, sản xuất; giải quyết những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Trong việc thực hiện chức năng giám sát: (1) Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật và ban hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, các nội dung Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định, những vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt các mục tiêu, chỉ tiêu về xã hội liên quan lĩnh vực Ủy ban được giao phụ trách;

(2) Thực hiện giám sát chuyên đề, khảo sát việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số; Luật Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các vấn đề mới phát sinh trong tình hình mới đặc biệt là dưới tác động của đại dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban... để có thêm thông tin, bằng chứng phục vụ hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình các dự án Luật sửa đổi khi Chính phủ trình trong năm 2022 và các năm tiếp theo;

(3) Tăng cường hoạt động giám sát thông qua chất vấn, giải trình tại phiên họp của Ủy ban đối với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan gắn với trách nhiệm tổ chức cá nhân thực hiện; thực hiện tái giám sát, theo dõi việc các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện các kiến nghị, kết luận của đoàn giám sát; xây dựng các cơ chế linh hoạt theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đối với các Bộ, ngành và địa phương. Chú trọng hơn giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ, thúc đẩy hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là kênh thông tin quan trọng để phản ánh mức độ đi vào cuộc sống của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất các yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách một cách phù hợp, khả thi, chất lượng, hiệu quả;

(4) Gắn kết hoạt động giám sát, khảo sát với hoạt động lập pháp, chuyển trọng tâm từ ưu tiên xây dựng pháp luật sang đẩy mạnh tổ chức thực thi pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật, pháp lệnh không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Chủ động giám sát khảo sát phát hiện những vấn đề nảy sinh trong xã hội, kịp thời đề xuất cải cách thể chế chính sách, và giải pháp giải quyết, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.

Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Ủy ban Xã hội luôn trong tinh thần chuẩn bị, nghiên cứu từ sớm, từ xa các vấn đề xã hội trong phát triển kinh tế và lĩnh vực kinh tế có tác động đến các vấn đề xã hội; bảo đảm lồng ghép những vấn đề, các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách được nêu trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người và con người là trung tâm của mọi chính sách, pháp luật.

Trong tổ chức, hoạt động của Ủy ban Xã hội: (1) Nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban đồng thời phát huy trí tuệ tập thể, năng động, sáng tạo, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao;

(2) Trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy đánh giá khía cạnh xã hội và gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội bảo đảm theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa;

(3) Duy trì và phát huy mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trun ương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, chủ trì dự thảo các báo cáo giám sát thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

 (4) Tiếp tục duy trì và củng cố mối quan hệ với tác Tổ chức quốc tế, mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên là các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia độc lập, nhà quản lý và các tổ chức xã hội có liên quan trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình; nghiên cứu ý kiến từ nhiều phía và ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của cử tri trong quá trình tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn Chủ nhiệm. Đầu xuân năm mới, kính chúc Chủ nhiệm sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Thường trực Uỷ ban Xã hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra!

Diệu Huyền

Các bài viết khác