BỘ GD&ĐT TRẢ LỜI CỬ TRI TP HẢI PHÒNG VỀ PHƯƠNG ÁN THI TỐT NGHIỆP THPT TRONG THỜI GIAN TỚI

27/01/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng với đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới.

Nội dung kiến nghị nêu rõ: Cử tri Thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT hiện nay, thay vào đó là thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông. Việc làm này cũng là định hướng thực hiện phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học (những học sinh có khả năng học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thì tham dự kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Đối với những em không có nhu cầu thì sẽ đi học nghề phù hợp.

Trả lời cử tri thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cho biết, vấn đề không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đã được đặt ra nhiều lần từ nhiều năm trước, ngay cả khi xây dựng Luật Giáo dục năm 2019. Nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học Tiểu học và Trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12, thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả của kỳ thi này rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau: đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.


Học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với mục đích đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền. Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, không ngừng nâng cao. Thêm nữa, với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học (không thi, không học).

Với các lý do trên, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau là cần thiết.

Cùng với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác phân luồng học sinh cấp THPT cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch và triển khai công tác hướng nghiệp ngay từ đầu cấp học để những học sinh có khả năng, học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thi tham dự xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, đối với những học sinh không có nhu cầu thì sẽ đi học nghề phù hợp./.

Bích Lan