ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG CỦA QUỐC HỘI THỂ HIỆN RÕ MỘT TINH THẦN CHUYÊN NGHIỆP, ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO.

24/12/2021

Kết luận tại Phiên họp lần thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV với việc hội đủ các điều kiện tiên quyết. Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc tổ chức kỳ họp bất thường này thể hiện một tinh thần và phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, đổi mới, hiện đại, chủ động, sáng tạo, hiệu quả...

 

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến thông qua 3 nội dung cơ bản trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1/2022. Đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải tổ chức Kỳ họp bất thường?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Theo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 bằng hình thức đầu tư công và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đây đều là những nội dung hết sức quan trọng, có tính cấp bách, cấp thiết, có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trước những yêu cầu của tình hình mới; đồng thời cũng là những nội dung thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và đông đảo quần chúng nhân dân.

Việc quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV với những nội dung dự kiến trình tại Kỳ họp nêu trên một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị cao độ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng Quốc hội đổi mới, hành động, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các trọng trách, nhiệm vụ được Nhân dân tin tưởng giao phó.

Phóng viên: Dự kiến tại Kỳ họp bất thường sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Theo đại biểu, những nội dung nào sẽ được các đại biểu đặc biệt quan tâm trong dự kiến chương trình của Kỳ họp bất thường?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Như đã nêu ở trên, những nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đều là những nội dung thực sự cấp bách, cấp thiết và hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đều là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo nhận định của tôi, một trong những nội dung dự báo sẽ được nhiều đại biểu quan tâm đó là chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo hình thức đầu tư công, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “xương sống” của đất nước, là hành lang vận tải huyết mạch quan trọng bậc nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước, được kỳ vọng sẽ tạo ra những xung lực lớn kích thích tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực lớn của Chính phủ và Quốc hội nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó nêu rõ “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”. Đặc biệt, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 khi hoàn thành sẽ kết nối thủ đô Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ tới Cà Mau, mở ra cơ hội giao thương, đầu tư, du lịch rất lớn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Đây là mong đợi, là ước ao của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long từ rất lâu rồi. Với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt như vậy, chắc chắn đây sẽ là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi cả ở Tổ và trong Hội trường.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng sẽ là một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Là đô thị trực thuộc Trung ương, với vị trí và vai trò trung tâm, đầu tàu dẫn dắt, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều đại biểu sẽ mong muốn dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sẽ là một nghị quyết “Thế hệ mới”, không chỉ đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Cần Thơ nói riêng, mà sẽ có thêm các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút, thúc đẩy sự phát triển chung của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Phóng viên: Những nội dung dự kiến xem xét tại Kỳ họp bất thường được nhận định là nội dung khó, phức tạp. Qua theo dõi, đại biểu có nhận định như thế nào về công tác chuẩn bị Kỳ họp  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Văn phòng Quốc hội?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp bất thường với tinh thần đặc biệt nghiêm túc, cẩn trọng, khẩn trương, chặt chẽ, kỹ lưỡng và cụ thể từng chi tiết. Công tác chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 6 được cử tri đánh giá là kỹ lưỡng, rất chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Kết luận Phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt đó là chỉ trình ra Quốc hội những nội dung thực sự cấp bách, cấp thiết đối với quốc kế dân sinh và đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự thống nhất cao.

Ngoài việc thảo luận, cho ý kiến về những nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường, những nội dung khác liên quan đã được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc, bàn bạc, thảo luận hết sức kỹ lưỡng như các vấn đề về căn cứ pháp lý, sự cần thiết, tên gọi của kỳ họp, phương án tổ chức, dự kiến nội dung của kỳ họp, bao gồm cả việc chuẩn bị hồ sơ để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường để đảm bảo yêu cầu, căn cứ chính trị. Đặc biệt, công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội đối với Phiên họp thứ 6 và cho Kỳ họp bất thường lần thứ nhất sắp tới thể hiện một tinh thần và phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, đổi mới, hiện đại, chủ động, sáng tạo, hiệu quả.

Tôi chắc chắn đây là cảm nhận chung của rất nhiều đại biểu và đông đảo cử tri kể từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đến nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vũ Hà - Lan Anh