XÂY DỰNG KHU TÁI ĐỊNH CƯ VÙNG DTTS CẦN CHÚ Ý YẾU TỐ VĂN HOÁ

20/11/2021

''Việc xây dựng khu tái định cư cần đảm bảo cuộc sống và thuận tiện cho đồng bào DTTS'' là ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Chính sách đất đai cho đồng bào DTTS ở Việt Nam - Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị”, do Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.

 

Nhiều năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Tính đến tháng 12/2020, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, với tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3% mỗi năm. Nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.


Một góc điểm dân cư thôn Đưng K'Si, xã Đạ Chais, tỉnh Lâm Đồng (ảnh: Báo ảnh Dân tộc và miền núi).

Với kết quả đó, đồng bào rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không du canh, không di cư tự do, cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại các khu, điểm định canh, định cư, tái định cư đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư, bố trí đất sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Ðây là những kết quả quan trọng nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào ở vùng miền núi, biên giới, vùng DTTS.

Tuy nhiên, tại những địa phương phải lấy đất để thực hiện xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện hay những vùng không còn quỹ đất trống, việc xây dựng các khu chức năng, công trình công cộng, dịch vụ ở những nơi tái định cư để đảm bảo cuộc sống, không gian sinh hoạt, văn hóa cho đồng bào DTTS còn bất cập nên cần có sự quan tâm, điều chỉnh cho phù hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc xây dựng khu tái định cư cần chú trọng đảm bảo cuộc sống và thuận tiện cho đồng bào DTTS.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu quan điểm: Việc di dân, giãn dân, bố trí tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi… phải được thẩm định quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư, đặt ra điều kiện tiên quyết. Nếu không bảo đảm được việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ di dân tái định cư đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì không thực hiện xây dựng các công trình. Việc điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, ổn định dân cư phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn. Hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối; hạn chế tự do nương rẫy, chặt phá cây và duy trì thảm thực vật, tán rừng...


Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, việc thiết kế, xây dựng các khu tái định cư cần quan tâm đến phong tục, tập quán và văn hóa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số, đặc biệt chú ý các công trình phụ (nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại…) và khu xử lý rác thải, thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất. Các địa phương cần chú ý đến việc xây dựng các nhà văn hóa, nhà cộng đồng để tránh làm mai một các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và là nơi trú ẩn an toàn cộng đồng trong mùa bão lũ.

Ngoài ra, các địa phương khi xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào DTTS cần quan tâm đến việc quy hoạch không gian sinh tồn cho các buôn, làng, cộng đồng dân tộc thiểu số. Lựa chọn địa điểm bố trí dân cư phải có đủ điều kiện đất ở, đất sản xuất, đảm bảo quỹ đất dự phòng, đáp ứng nhu cầu về gia tăng dân số, thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng điện, giao thông, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt; phù hợp với phong tục, tập quán của người dân. Tránh bố trí khu dân cư ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, không đảm bảo an toàn. Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tốt hơn so với nơi ở cũ. Ưu tiên bố trí các hộ gia đình ở phân tán, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Hạn chế thấp nhất việc san ủi làm thay đổi kết cấu tự nhiên, gây nguy cơ sạt lở.

Việc san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung chỉ tiến hành trong trường hợp thật cần thiết và khi san lấp phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật phù hợp địa hình. Bố trí khu dân cư có thể bố trí xen ghép vào các bản cùng dân tộc, cùng dòng họ, có đủ điều kiện về đất đai, hạ tầng, để đảm bảo cho các hộ đồng bào thiểu số dễ hòa nhập, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Trường hợp đối với các bản có nguy cơ cao về sạt lở đất do lũ quét hoặc các hộ dân cư ở rải rác, phân tán thì phải bố trí tập trung, lập điểm mới bản mới, nhưng không quá cách xa với nơi ở cũ,  phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán.


Ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn.

Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các khu thí định cư khi địa phương có dự án xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi phải di dời dân cư, ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, cho rằng việc xây dựng khu tái định cư và di dân cần trước khi khởi công xây dựng công trình thuỷ điện tối thiểu 1 – 2 năm, tốt nhất là sau khi các hộ tái định cư ổn định được cuộc sống. Dự án tái định cư phải đồng bộ, được tính toán đầy đủ, cụ thể về tiêu chí cơ sở hạ tầng, nhu cầu kinh phí ngay trong dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện. Bên cạnh đó, cần có chính sách, quy định để các địa phương dành ngân sách sửa chữa, bảo trì cơ sở hạ tầng; gắn tiêu chí về phát triển hạ tầng cộng đồng và dịch vụ công trong các Chương trình Mục tiêu quốc gia để đảm bảo nguồn lực và tránh sự chồng chéo.

Việc xây dựng nhà ở cho người dân ở vùng DTTS nên được thực hiện theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tự xây nhà và các công trình đi liền nhà ở bằng tiền bồi thường, Nhà nước hỗ trợ vận chuyển, san ủi nền, nhân dân tự tháo dỡ nhà cũ, lắp dựng lại hoặc xây mới.


Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS. Những ý kiến tâm huyết này cũng góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Qua trao đổi cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào DTTS & MN và đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện nhiều chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân ở nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai cho người dân vùng DTTS & MN còn một số bất cập liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học... nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số để trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới./.

Bích Lan