SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN VÀ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ

09/08/2022

Chiều ngày 09/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội nghị thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội nghị.

Đề xuất giải pháp hữu hiệu, đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường Tạ Đình Thi, Nguyễn Phương Tuấn và các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo của một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đại diện một số Bộ ngành khác.


Toàn cảnh Hội nghị thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Bởi tình hình môi trường kinh doanh – tiêu dùng cả trong nước và quốc tế có những biến động so với thời điểm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Tiếp đó, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Quản lý Ngoại thương 2018…

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh Covid - 19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên
nền tảng công nghệ số... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài...

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Theo đó, một số bất cập, hạn chế nổi bật trong các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có thể chỉ ra là: Các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị.

Các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng,
đặc biệt là trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường. Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết. Tuy số lượng tranh chấp được giải quyết qua phương thức thương lượng, hòa giải chiếm số lượng lớn nhưng hiệu quả, giá trị và hiệu lực thi hành của các phương thức này là chưa cao. Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các khái niệm yêu cầu, phản ánh, khiếu nại và cách xử lý.

Một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt chưa có cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Một số trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy xu hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Thêm 4 nội dung cần xem xét sửa đổi

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, dự thảo Luật có 7 chương, 80 điều; so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều, bổ sung 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc sửa đổi, bổ sung này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thực tiễn quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
.

Để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức giám sát chuyên đề, làm việc với một số bộ, khảo sát tại các địa phương về nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên đề, làm việc với các Bộ Công Thương, Tài chính, khảo sát tại một số tỉnh, thành phố, gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp cùng Ban soạn thảo nghiên cứu thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 11 cơ quan Trung ương gửi báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh thêm các nội dung. Thứ nhất, hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển; Thứ hai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thực hiện trong gần 12 năm.

Nhiều quy định đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng; chưa phát huy và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thứ tư, số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.

Cần chú trọng bảo vệ người tiêu dùng qua giao dịch điện tử

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm bảo vệ người dân tốt hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dự án Luật cần làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước tại các quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Có ý kiến đề nghị gộp 2 điều (Điều 5 và Điều 6) về chính sách của Nhà nước thành một điều chung, cân nhắc việc luật hóa nội dung “góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật.

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, một số đại biểu đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ví dụ nội dung về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho ý kiến tại Hội nghị.

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề kinh phí, nguồn lực và phương thức để đảm bảo các hoạt động cơ bản của Hội. Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và thực hiện để hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung sức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Do đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cơ bản tán thành với các nội dung trong hồ sư dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); đồng thời khẳng định dự án Luật được sửa đổi theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ người dân lên hàng đầu được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự án Luật cần hoàn thiện các chế tài bảo mật thông tin, sử dụng thông tin của người tiêu dùng một cách chặt chẽ hơn. Theo đó, trong dự án Luật cần nêu rõ quy định rõ hơn về sự cần thiết phải có sự đồng ý của người tiêu dùng khi cung cấp thông tinh để cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu trữ, trao đổi trong giao dịch thương mại điện tử. Việc làm này cũng là để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng khi có bên thứ 3 sử dụng thông tin của họ không đúng mục đích.


Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ​phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, đại diện các cơ quan đóng góp cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Qua báo cáo thẩm tra sơ bộ, dự án Luật đủ điều kiện để Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 8 này và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các cơ quan để sớm hoàn thiện các ý kiến bằng văn bản, hoàn thành báo cáo để cùng với Ủy ban  báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp tháng 8 này. Về phía Bộ Công thương cần có báo cáo bổ sung để Ủy ban xem xét trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Các đại biểu tham dự Hội nghị.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về bổ sung 4 nội dung cần xem xét trong dự án Luật.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho rằng, Bộ Công thương cần có thêm số liệu, báo cáo tác động liên quan đến quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần đề cập rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thị trường có sự biến động về giá cả của các sản phẩm hàng hóa.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật cần chú trọng hơn đến việc bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ về du lịch, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận tại Hội nghị, nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện để Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 8 này và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Các bài viết khác