ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK: CHUẨN BỊ MỌI ĐIỀU KIỆN CHO KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

18/10/2021

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai sắp tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các hoạt động. Nhiều vấn đề khó khăn của địa phương liên quan đến kinh tế, xã hội cũng như ý kiến của cử tri được Đoàn ghi nhận và sẽ tham gia kiến nghị tại kỳ họp.

 

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc từ ngày 20/10/2021 và bế mạc vào ngày 13/11/2021. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt: Họp trực tuyến qua các điểm cầu và họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai sắp tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các hoạt động. Nhiều vấn đề khó khăn của địa phương liên quan đến kinh tế, xã hội cũng như ý kiến của cử tri được Đoàn ghi nhận và sẽ tham gia kiến nghị tại kỳ họp. Phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trước thềm kỳ họp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:

Phóng viên: Thưa đại biểu, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sắp tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các chương trình, kế hoạch như thế nào để tham gia kỳ họp đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Bám sát các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, khẩn trương, nghiêm túc triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đảm bảo hoạt động tại kỳ họp diễn ra thông suốt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ họp. Cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Thứ hai, tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại 05 huyện (thuộc vùng xanh) đảm bảo về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19: báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; chủ động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tập hợp, tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri để kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thứ ba, thực hiện giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó tập trung giám sát việc triển khai nhiệm vụ được Quốc hội giao về phòng chống dịch COVID-19. Phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khảo sát việc triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ...); Báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 cho tổ công tác.

Thứ tư, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề nổi cộm thuộc lĩnh vực quản lý ngành mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ năm, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo dự án Luật trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thứ sáu, Chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu kế hoạch về công tác phục vụ, đảm bảo các điều kiện công tác họp trực tuyến, triển khai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đại biểu, những người tham gia kỳ họp tại điểm cầu Đắk Lắk, đảm bảo an ninh, an toàn…

Phóng viên: Trong kỳ họp thứ 2 sắp tới, những vấn đề nào của địa phương sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất trước Quốc hội và các cơ quan Trung ương, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự kiến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia ý kiến với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Trung ương liên quan đến nhiều nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Quyết định đầu tư 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021-2030, (giai đoạn I từ 2021-2025), phân bổ nguồn vốn 2021-2022 để các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện sớm chủ trương rất lớn và có ý nghĩa này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn để tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình để các địa phương sớm tiếp cận, triển khai tuyên truyền và các đối tượng được thụ hưởng chủ trương lớn của Đảng, của Quốc hội.

Thứ hai, kiến nghị các cơ quan Trung ương về việc đẩy nhanh thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Theo đó, đề xuất Chính phủ và các cơ quan có liên quan sớm đầu tư nguồn ngân sách để triển khai dự án trong thời gian tới. Đây là dự án có vai trò quan trọng, không chỉ góp phần xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mà còn thúc đẩy hạ tầng, liên kết vùng phát triển. Đồng thời, Đoàn cũng sẽ kiến nghị về việc tăng cường đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, tạo điều kiện cho đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát, đôn đốc các bộ ngành Trung ương, các chính quyền địa phương tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai, liên quan đến hợp đồng nhận khoán giữa người dân và các công ty nông, lâm trường; vấn đề đất đai của nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả, bị xâm lấn, hiện đã và đang tiến hành thu hồi giao lại cho địa phương để giải quyết hiệu quả, cơ bản về bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào Dân tộc thiểu số cũng như việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong tái tạo môi trường sinh thái, tái tạo, phát triển rừng.

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ cần có một số giải pháp đối với những tác động mới, phức tạp, khó lường trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có tác động rất lớn đến các cộng đồng dân tộc thiểu số trên tất cả các mặt như sức khỏe, tính mạng, việc làm, sinh kế, đời sống giáo dục, sang chấn tâm lý của lực lượng người dân tộc thiểu số quay trở về từ vùng dịch. Đồng thời, đề nghị Trung ương xem xét, tiếp tục phân bổ đủ nguồn vắc xin tiêm phòng cho đối tượng ưu tiên và các tầng lớp nhân dân trong thời gian sớm nhất, đây cũng là một trong những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Kim Liên