XEM XÉT ĐẦY ĐỦ CƠ SỞ PHÁP LÝ THỰC TIỄN ĐỂ QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM VI MÔ TRONG LUẬT

06/09/2021

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Kinh tế, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về nội dung bảo hiểm vi mô được thể hiện trong dự thảo Luật.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến  tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi  trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp

Sản phẩm bảo hiểm vi mô có các đặc điểm cơ bản như thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm; Quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm vi mô chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản; Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng bảo hiểm vi mô không vượt quá năm (05) lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo Luật quy định các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình.

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển bày tỏ băn khoăn về nội dung quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, dự thảo Luật quy định chủ thể cung cấp bảo hiểm vi mô ngoài doanh nghiệp bảo hiểm còn tổ chức tương hỗ. Nếu như doanh nghiệp bảo hiểm quy định rất chặt chẽ, với nhiều điều khoản quy định tương tự như tổ chức tín dụng, trong khi đó quy định về tổ chức tương hỗ lại hết sức khái quát.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, với tiềm năng bảo vi mô phát triển vô cùng lớn, đối tượng tham gia đông như nông dân, nếu có rủi ro thì tác động lớn đến xã hội, trong khi điều kiện tổ chức hoạt động của tổ chức tương hỗ lại quy định lỏng lẻo, chưa rõ. Do đó, nên cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ nhất là các quy định nhằm phòng ngừa các tác động tiêu cực, phòng ngừa rủi ro, trách nhiệm pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị làm rõ đây là loại hình bảo hiểm độc lập hay bảo hiểm mang tính xen kẽ. Theo đó, nếu coi là một loại hình bảo hiểm độc lập mà dự thảo Luật chỉ quy định có 2 điều sẽ sơ sài quá. Mặt khác, bảo hiểm vi mô hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp nhằm hỗ trợ, bảo vệ họ trước những khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thực tế, bảo hiểm vi mô lợi nhuận không cao, không có mấy doanh nghiệp mặn mà với loại hình kinh doanh này. Dự thảo như hiện nay chưa thực sự thúc đẩy, khích lệ các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.  

Nhấn mạnh chương về bảo hiểm vi mô cần luật hóa kỹ càng hơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, chương về bảo hiểm vi mô cần quy định một cách cụ thể, có tầm nhìn dài hạn, quan tâm nhiều hơn đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ này. Trong thể chế nước ta vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng, cần tiếp tục huy động đống góp cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết thêm, bảo hiểm nông nghiệp có vai trò quan trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp thời gian tới, cần có quan tâm ưu tiên nhưng báo cáo đánh giá tác động không rõ, qua số liệu báo cáo thực tiễn triển khai thì lại thấy kinh doanh bảo hiểm này thất bại khi chi lớn hơn thu. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể để quy định phù hợp, định hướng lựa chọn nội dung bảo hiểm tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy sản xuất cho người dân nhất là ở những lĩnh vực sản xuất mới, ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa rất cần sản phẩm bảo hiểm vi mô. Nhiều nơi thí điểm thực hiện được đánh giá rất tốt. Kỳ vọng quy định về bảo hiểm vi mô trong luật tạo thành lưới đỡ an sinh cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, người nông dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần nghiên cứu để luật hóa quy định về bảo hiểm vi mô một cách đầy đủ, trong đó, xác định rõ vị trí, vai trò của tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời đặt vấn đề có nên quy định để quá nhiều tổ chức tham gia hay không hay chỉ một số tổ chức mới được tham gia cũng cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng nếu đây là hoạt động phong trào thì rất tốt nhưng nếu là hoạt động kinh doanh được quy định trong luật thì cần phải có đánh giá hiệu quả xã hội một cách đầy đủ.

Các đại biểu tại phiên họp thẩm tra dự án Luật

Về bản chất, bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận,  mang tính chất tương hỗ giữa các thành viên trong tổ chức, áp dụng đối với đối tượng khó khăn, thu nhập thấp. Để bảo đảm việc đưa loại hình bảo hiểm vi mô vào điều chỉnh trong dự thảo Luật và có cơ sở xem xét quy định mang tính nguyên tắc về bảo hiểm vi mo tại dự thảo luật, cần có bổ sung thuyết minh, làm rõ cơ sở sự cần thiết của loại hình bảo hiểm vi mô, làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của hoạt động bảo hiểm này; cung cấp bổ sung nội dung đánh giá tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này./.

Bảo Yến