Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan
Bắc Ninh – một trong các địa phương nằm trong tâm dịch, chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Suốt nhiều tháng qua, do phải thực hiện giãn cách, tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh nên nhiều hoạt động sản xuất, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng triển khai, điều này kéo theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm trễ. Tính đến ngày 09/7/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh chỉ đạt trên 42% so với kế hoạch vốn năm 2021 của tỉnh giao, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, có một nguyên tắc là đến thời hạn 30/9, tỉnh nào mà không giải ngân được 60% thì phải cắt vốn của năm đó cho tỉnh khác. Từ thực tế đó, nếu không điều chỉnh thời hạn việc sử dụng vốn đầu tư công thì không chỉ riêng Bắc Ninh mà nhiều địa phương khác cũng khó lòng giải ngân hiệu quả. Do đó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan kiến nghị: “Thời điểm này đại dịch Covid -19 ảnh hướng rất là lớn mà chúng ta cứ thực hiện giãn cách thì mọi hoạt động dừng hết, giờ quy định rất rõ thời hạn như vậy rồi mà bây giờ thế thì chúng tôi rất là lo, nếu không điều chỉnh thì khó mà làm được, rất nhiều tỉnh khó khăn, vừa lo dập dịch mà các khoản kinh phí lại bị cắt đi. Tôi đề nghị điều chỉnh thời hạn, cho sử dụng vốn đầu tư của năm 2021 được kéo dài sang các tháng của năm 2022”.
Đại biểu Lê Tiến Châu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang
Từ góc nhìn của địa phương, đại biểu Lê Tiến Châu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cũng chỉ ra, phải tính toán rất kỹ nguồn thu, đặt nguồn thu trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, có như vậy phương án chi vốn đầu tư công mới đảm bảo tính khả thi. Cùng với đó cần tính toán lại hạn mức vay nước ngoài, khắc phục tình trạng cấp phát vốn cào bằng giữa các địa phương.
“Thủ tục quá rườm rà, tất nhiên là do nhà tài trợ họ ràng buộc, nhưng cũng nhiều nhà tài trợ họ muốn đến thì chúng ta cũng phải có những yêu cầu ngược lại, không nên phụ thuộc hoàn toàn. Thứ hai cấp phát vốn đang cào bằng. Ví dụ địa phương vay thì trung ương cấp pháp 50%, địa phương phải tự lo 50; địa phương càng khó khăn thì nhu cầu vốn càng lớn để phát triển, nếu giao kiểu đó là các địa phương nghèo càng bó tay. Và các địa phương nghèo thu ngân sách ít, hạn mức vay càng thấp, phải thay đổi nếu không các địa phương khó khăn lại càng khó khăn thêm” – đại biểu Lê Tiến Châu cho biết.
Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cũng đề nghị, trong giai đoạn tới Chính phủ cần mạnh dạn phân cấp phân quyền nhiều hơn cho địa phương, mạnh dạn cắt bỏ các thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian, lỡ thời cơ trong việc triển khai các dự án đầu tư công ở các địa phương. Trong báo cáo, Chính phủ cũng đã chỉ ra 5 quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới là rất đầy đủ, vấn đề đặt ra là sẽ tổ chức thực hiện, khắc phục như thế nào.
Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Hà Thị Nga mong các Bộ, ngành Trung ương có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn về thủ tục, trình tự cho việc đầu tư các công trình, dự án đầu tư công trung hạn.Bên cạnh đó, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả thì các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm, xem xét lại một cách tổng thể từ khâu lập quy hoạch, tổ chức thực hiện cho tới giám sát triển khai để tránh lặp lại câu chuyện chậm giải ngân từ năm này qua năm khác./.