ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH GÓP Ý VỀ VIỆC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND CẤP TỈNH

29/08/2020

Sáng ngày 28/8, Văn phòng Quốc Hội tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành hội nghị.

 

Các đồng chí:  Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

Theo dự thảo Nghị quyết, việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là rất cần thiết theo quy định tại Luật số 65/2020/QH14. Dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều, quy định những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, chế độ làm việc, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác, kinh phí hoạt đông, hiệu lực thi hành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn cơ bản đồng ý với dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, đề xuất một số ý kiến, cụ thể:

Trong dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết do Văn phòng Quốc hội soạn thảo chưa đánh giá đầy đủ các nội dung liên quan đến 12 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng theo Nghị quyết 580/2018/ UBTVQH14. Vì vậy, cần quan tâm đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể hơn, bổ sung nội dung tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của Văn phòng, sau khi thống nhất chung sẽ giao cho Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định là phù hợp. Tuy vậy, trong khi Thường trực HĐND là tập thể gồm 7 người lại chỉ xin ý kiến thống nhất của mỗi Trưởng Đoàn ĐBQH (thường kiêm nhiệm) là chưa phù hợp; cần xem xét xin ý kiến Đoàn ĐBQH hoặc ít nhất phải thống nhất ý kiến của đồng thời Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH, vì thực tế đồng chí Phó Trưởng đoàn mới là người trực tiếp gắn bó với Văn phòng nhiều nhất.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị

Về cơ cấu, tổ chức Văn phòng, thống nhất lựa chọn Phương án 1 và đề xuất quy định cứng gồm 04 phòng là Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và Phòng Tổng hợp - Thông tin - Dân nguyện. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn tại các địa phương, có thể bố trí thêm 01 đơn vị trực thuộc.

Về biên chế Văn phòng, đề nghị quy định rõ là số biên chế được giao; đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không nằm trong biên chế công chức của Văn phòng thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử ở địa phương và các đại biểu chuyên trách vẫn sinh hoạt đảng, đoàn thể cùng với Văn phòng. Đồng thời, khi bàn giao văn phòng cần bàn giao biên chế về cho địa phương; các địa phương đang thí điểm thì được rà soát, điều chỉnh bổ sung biên chế phù hợp với vị trí việc làm được duyệt.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp thu, tổng hợp, thống nhất lại ý kiến phát biểu của các đại biểu và giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến cơ cấu, tổ chức; kinh phí hoạt động của Văn phòng; một số điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. Đồng chí nhấn mạnh cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để bố trí đủ biên chế vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy.

Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục gửi văn bản lấy ý kiến của các địa phương, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh./.

(Theo Cổng Thông tin Điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Các bài viết khác