KINH NGHIỆM THẨM TRA VIỆC LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

18/08/2020

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đã chia sẻ kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật và vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, các ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án ưu tiên phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện và nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm; y tế văn hóa, giáo dục không ngừng được phát triển; tình hình an ninh, trật tự được duy trì ổn định. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vấn đề bình đẳng giới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tại vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ là đối tượng bị yếu thế hơn trong gia đình, cộng đồng, xã hội và họ gặp phải nhiều rào cản từ chính nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống của mình. Bên cạnh đó, do một số phong tục, tập quán lạc hậu tại một số nơi khiến cơ hội tiếp cận với các quyền lợi, điều kiện sống tốt hơn bị hạn chế, nên phụ nữ dân tộc thiểu số thường phải đối mặt với nguy cơ bị phân biệt đối xử kép cả về vấn đề dân tộc và vấn đề giới.

Nhiều tồn tại bấp cập trong thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các dự án luật.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đã nêu lên 06 tồn tại, bất cập liên quan đến vấn đề giới và bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể:

* Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số khó tiếp cận giáo dục và đào tạo. Kết quả Tổng Điều tra dân số 2019 cho thấy khoảng cách giới lớn nhất trong tỷ lệ biết đọc, biết viết thuộc về khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La. Ngoài ra, phụ nữ dân tộc thiểu số còn bị hạn chế trong tiếp cận các lớp đào tạo nghề. Theo thống kê 66,2% phụ nữ dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh Tây Nam bộ có nhu cầu đào tạo nghề nhưng thực tế chỉ có 12,2% phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia các khóa đào tạo nghề ở Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

* Những khó khăn trong tiếp cận giáo dục cũng khiến phụ nữ dân tộc thiểu số khó tiếp cận các cơ hội về việc làm trả lương. Theo khảo sát, chỉ có 17% phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm được trả lương nhưng thu nhập từ các công việc được trả lương bình quân chỉ 3.500 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với nam giới dân tộc thiểu số và phụ nữ tại các vùng đồng bằng.

* Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác (23,1% so với 9,2% ở dân tộc Kinh). Tỷ lệ trẻ em gái dân tộc thiểu số mang thai ở độ tuổi vị thành niên cao (116/1.000 em tuổi từ 15-19).

* Tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số còn khoảng cách lớn, vẫn còn trên 30% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con ở nhà, thậm chí có một số dân tộc, tỷ lệ sinh con tại nhà lên tới 90% như dân tộc La Ha, La Hủ, Si La, Lự, Mảng.

* Phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số còn đối mặt với nhiều nguy cơ không an toàn trong gia đình và cộng đồng. Theo thống kê, trong 5 năm (2012-2017), số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc. Tình trạng bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiếu số và miền núi diễn ra phổ biến, có tới 58,6% phụ nữ dân tộc thiểu số chấp nhận bạo lực từ chồng.

* Bên cạnh những điểm sáng về sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong vị trí lãnh đạo cấp cao của bộ máy Đảng và Nhà nước thì sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong lĩnh vực chính trị còn nhiều thách thức, đặc biệt là ở cấp xã.

Kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật.

Chia sẻ về kinh nghiệm thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho biết, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XI. Sau khi Luật được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Ủy ban Về các vấn đề xã hội phụ trách lĩnh vực giới. Đây là cơ sở pháp lý để Ủy ban thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giám sát triển khai thực hiện Luật và thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật.

Để tạo sự kết nối chặt chẽ trong hoạt động thẩm tra lồng ghép giới trong các dự án luật, pháp lệnh, vào đầu mỗi nhiệm kỳ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã gửi công văn tới Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cử thành viên tham gia nhóm phối hợp thẩm tra lồng ghép giới. Các thành viên nhóm sẽ thay mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham dự các cuộc họp, tọa đàm, hội nghị, hội thảo… của Ủy ban về lồng ghép giới trong các dự an luật, pháp lệnh và tham gia ý kiến từ góc độ lĩnh vực phụ trách của từng Ủy ban. Thông qua cơ chế này, hoạt động thẩm tra lồng ghép giới đối với các dự án luật do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì đã từng bước được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Sau hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật, tính đến hết năm 2019, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hiến pháp 2013 và 89 dự án luật, pháp lệnh. Hoạt động thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới của Ủy ban góp phần bảo đảm cho các văn bản luật, pháp lệnh được ban hành cơ bản đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới; qua hoạt động thẩm tra cũng góp phần từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

Từ những hoạt động thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật, pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm. Đó là để nâng cao chất lượng thẩm tra, Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về nguyên tắc lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình lồng ghép trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chủ trì, soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề dân tộc trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đề xuất Hội đồng Dân tộc cần quan tâm, chủ động xem xét, thẩm tra lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng các dự án luật; chủ động trong công tác phối hợp thẩm tra và chuẩn bị ý kiến thẩm tra; chủ động tổ chức nghiên cứu trước nội dung dự án, tổ chức họp chuyên gia, hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến; gửi văn bản góp ý kiến kịp thời tới cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đặc biệt có thể gửi văn bản hai đến ba lần nếu ý kiến chưa được tiếp thu, giải trình.

Hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc cần được tiến hành trong suốt quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.Cần có cơ chế phản hồi thông tin từ phía cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Bên cạnh đó, cần có sự “đeo bám” vấn đề đã được phát hiện đến cùng để đảm bảo vấn đề đó được giải quyết thấu đáo trước khi dự án luật được trình Quốc hội thông qua.

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải đoạn 2021-2030. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này sẽ góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nguyệt hy vọng những kinh nghiệm trong thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, pháp lệnh sẽ là thông tin tham khảo hữu ích cho hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc của Hội đồng Dân tộc; đồng thời, việc tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm tra dự án, luật pháp lệnh trong thời gian tới./.

Lan Hương - Bùi Hùng

Các bài viết khác