ĐẠI BIỂU NGUYỄN THANH XUÂN: NGUY CƠ THIẾU ĐIỆN TRONG NHỮNG NĂM TỚI

21/07/2020

Nguy cơ thiếu điện cả nước trong những năm tới đang rất hiện hữu, nhất là với các tỉnh Tây Nam Bộ khi các dự án khí điện lô B và các nhà máy nhiệt điện đang bị chậm tiến độ. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long các dự án nhà máy Nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ đã có ý kiến chất vấn đặt ra xung quanh vấn đề này

Triển khai nhà máy điện Ô Môn 4 

Trung tâm Điện lực Ô Môn khi hoàn thành (gồm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III, IV) với tổng công suất theo phê duyệt 2.910 MW, ước tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; nhiên liệu vận hành chủ yếu là nguồn khí đốt thiên nhiên vận chuyển từ vùng biển Tây Nam của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc đầu tư các dự án nguồn điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn sử dụng khí Lô B cho phát điện nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, ổn định nguồn điện quốc gia, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là khu vực miền Nam

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4

Trong đó Dự án Nhà máy điện Ô Môn 4 là công trình năng lượng cấp I; công nghệ nhà máy vận hành bằng Turbine khí chu trình hỗn hợp, cấu hình 2-2-1; công suất khoảng 1.050MW±10%; số giờ vận hành công suất cực đại Tmax là 6.000h; điện áp đấu nối 500kV; nhiên liệu chính từ khí đốt thiên nhiên từ mỏ khí Lô B với nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm; nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Tổng mức đầu tư khoảng 29.944 tỷ đồng, trong đó, 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại; tiến độ phát điện thương mại dự kiến vào quý IV/2023. Tuy nhiên đến nay nhà máy này mới xây dựng nhà điều hành và phần hạ tầng của nhà máy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý Điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết thêm Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 15/2/2019 và sau đó Tập đoàn điện lực VN cho thực hiện. Hiện Ban quản lý đang chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khởi công công trình vào tháng 4 theo tiến độ phê duyệt tại chủ trương đầu tư. Như vậy cuối 2023 sẽ đưa vào vận hành đồng bộ với khí lô B. Liên quan đến vấn đề tài chính, ông Hùng cũng cho biết hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa gặp khó khăn gì về tài chính và nguồn vật lực. Nhưng khi triển khai nhóm khí lô B này theo quyết định 182 của Thủ tướng thì thềm lục địa phía trung nguồn của Việt Nam lại được Tập đoàn Dầu khí điều khiển. Do vậy cần có sự phối hợp hài hoà giữa 2 bên để tiến độ của dự án điện lực Ô Môn đem lại được hiệu quả cao nhất

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý Điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Trước tình hình nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, việc đưa vào vận hành nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn 4 sẽ là bài toàn để giải quyết nhu cầu điện hiện nay. Nhất là đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, nơi mà điện đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc phục vụ sản xuất.

Năng lượng tái táo - Cứu cánh của ngành điện

 Để đảm bảo không thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương, EVN đã tính toán, rà soát và đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đứng đầu là đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Nhận định đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra lập luận: "Các dự án năng lượng tái tạo còn có thể thi công nhanh, kịp thời đưa vào vận hành ngay trong giai đoạn 2021-2023, tận dụng tiềm năng thiên nhiên của đất nước mà không phụ thuộc vào nhiên liệu NK, thân thiện với môi trường"

Những phát triển của nghành công nghiệp năng lượng không chỉ đảm bảo những điều kiện thiết yếu cho hoạt động sản xuất vật chất của nền kinh tế, cũng như đời sống xã hội của người dân về điện năng, mà ngành điện cũng như các ngành năng lượng nói chung còn là hạ tầng quan trọng để đảm bảo đầu vào và ổn định cho sản xuất vật chất của các phân ngành trong công nghiệp. GDP tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải đảm bảo tương ứng 11 - 11,5%/năm tùy vào kịch bản tăng trưởng từng năm. Chính hạ tầng điện và hạ tầng năng lượng đã tạo nên nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao trong suốt thời gian dài vừa qua, đóng góp vào mục tiêu phát triển đất nước theo chiến lược của Đảng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết : Trong giai đoạn 10 năm (2007 – 2017) của Chiến lược phát triển năng lượng, doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh chóng.

Minh chứng cho thấy, giá trị sản xuất trong ngành năng lượng trong 10 năm tăng lên 6 lần, tổng sản lượng điện cũng tăng hơn 3,3 lần, trong đó, sản lượng điện tiêu thụ phục vụ cho người dân cũng tăng 2,88 lần. Rõ ràng, những doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng cấu thành trong ngành công nghiệp năng lượng, đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Năm 2018, các doanh nghiệp này đóng góp vào thu ngân sách nhà nước lên đến 204 ngàn tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần phải có chiến lược mới về năng lượng được đặt chung trong tổng thể về chiến lược phát triển kinh tế. Từ đó có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia, mà còn liên quan đến an ninh quốc gia và các vấn đề địa chính trị, chính trị đối ngoại của toàn cầu. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành mới có ý nghĩa rất đặc biệt quan trọng, khi Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển đất nước 10 năm tới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định “Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII về năng lượng, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung trong khi chờ đợi Tổng sơ đồ VIII thì Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh vẫn phải tiếp tục bổ sung. Sơ đồ điện VII làm sao phải trúng và bám sát theo yêu cầu cũng như theo định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện rồi việc đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, yêu cầu lớn đảm bảo cơ chế chính sách để tạo ra đột phá cho sự phát triển không chỉ ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng khí, năng lượng tái tạo mà ngay cả khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Quyết định 11 và Quyết định 39 chẳng hạn đó là những thí điểm Bộ Công Thương đã làm tốt, vậy Nghị quyết 55 ra đời sẽ vận hành như thế nào nhất là khi năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta vẫn còn tiếp tục căng thẳng trong nhu cầu điện năng, cần phải vận dụng và triển khai ngay Nghị quyết này giải quyết bài toán cân đối cung cầu điện trong những năm tới đây. Bộ Công Thương sẽ tính toán ngay trong chiến lược những quy hoạch mang tính dài hạn, nhưng có những nhiệm vụ cấp bách cần phải xử lý ngay lập tức”

Bám sát nội dung nghị quyết, Tư lệnh Ngành Công thương đã có những chuyến thị sát tại các địa phương trọng điểm về năng lượng tại các khu vực trong cả nước để nắm bắt tình hình về thực trạng phát triển năng lượng. Qua đó, nhiều đề xuất đã được đưa ra tới Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương. Đây cũng là cơ sở để Bộ có những sửa đổi các quy định liên quan, tạo hành lang thông thoáng khuyến khích tư nhận tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng, xác định tiềm năng, thế mạnh rõ nét trong phát triển điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên các địa phương có nguồn năng lượng gió mà mặt trời tại tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Còn đối với những tỉnh Tây Nam Bộ và ĐBSCL thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới đang rất hiện hữu, nhất là với các tỉnh Tây Nam Bộ khi các dự án khí điện lô B và các nhà máy nhiệt điện đang bị chậm tiến độ. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long các dự án nhà máy Nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ đã có ý kiến chất vấn đặt ra xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết “Các dự án khí Lô B bị chậm rất nhiều, từ nhiệm kỳ trước đến nay. Bộ cũng đã thúc đẩy các dự án này nhanh hơn. Đặc biệt, sau quá trình điều chỉnh lại cơ cấu của chủ đầu tư, của cả phía nước ngoài trong dự án này đã có tiến bộ và có phương án phê duyệt cụ thể cho kế hoạch cung cấp khí, dự kiến khoảng năm 2023 và sang năm 2024. Còn các dự án hạ nguồn và Dự án Ô Môn, các Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 hiện nay Chính phủ cũng đã hoàn thiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Dự án Ô Môn 4 theo nguyên tắc, chúng ta sẽ sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, do vậy sẽ phải hoàn tất các thủ tục theo quy trình pháp lý và báo cáo trình Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến thông qua. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí hoàn thiện các quy trình pháp lý cuối cùng cho các dự án này và sau đó sẽ báo cáo Chính phủ để trình ra Quốc hội để Quốc hội thông qua. Như vậy, với việc hoàn thiện nốt Dự án Ô Môn 4 thì cả các Dự án Ô Môn 1, 2, 3, 4 của chúng ta sẽ hoàn thiện quá trình đầu tư để có thể đón dòng khí từ khí Lô B dự kiến vào khoảng cuối năm 2023 và năm 2024, như vậy tùy vào từng giai đoạn, ví dụ Ô Môn 4 thì vào năm 2023, Ô Môn 2 và Ô Môn 3 thì vào 2025. Tất cả những dự án này sẽ được cân đối để đảm bảo tiến trình chung về các dự án của thượng nguồn là dự án của khí Lô B”

Qua trả lời Bộ trưởng cũng thừa nhận sai sót rằng các dự án điện khí lô B bị chậm rất nhiều, từ nhiệm kỳ trước đến nay. Bộ cũng đã có những hành động kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này. Vậy việc thiếu điện sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế? Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc này? Và giải pháp cho bài toán này là gì? Phóng viên Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Xuân để làm rõ hơn về nội dung này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại có ý kiến chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề nêu trên? 

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: ĐBSCL có dự án xây dựng trung tâm điện lực Ô môn trong đó có 4 nhà máy nhiệt điện đã đi vào khai thác 2 tổ của nhà máy điện. Nhưng còn nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 dự kiến sẽ dùng nguồn khí khai thác từ lô B từ biển Tây Nam dẫn về hiện nay đang chậm tiến độ, như thế không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ phát triển kinh tế xã hội của vùng mà còn ảnh hưởng tới nhu cầu điện sinh hoạt cho người dân. Hàng năm đến mùa hạn, tháng hạn thì nhu cầu này không đảm bảo. Dự báo trong tương lại nguồn điện của vùng cũng bị thiếu hụt lớn nên tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề này

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Phóng viên: Sau khi chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời câu hỏi của Đại biểu. Ông có hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng không?

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Sau khi nhận được câu hỏi Bộ trưởng đã có trả lời tôi. Qua phần trả lời, tôi thấy Bộ trưởng cũng nắm được vấn đề và câu trả lời của bộ trưởng cơ bản đáp ứng được nhu cầu quan tâm của nhân dân cũng như các địa phương. Tuy nhiên những giải pháp bộ trưởng nêu ra vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Tôi nghĩ cũng do điều kiện thẩm quyền của Bộ trưởng cũng có mức độ, hơn nữa những vấn đè này còn liên quan đến chủ trương, thẩm quyền của Chính Phủ nên tôi cho rằng Bộ trưởng đã trả lời đúng thẩm quyền của mình.

 Phóng viên: Điện năng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và là một nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc thiếu điện sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Nhu cầu với điện năng, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà còn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt tiêu dung trong nhân dân, mà nhu cầu này ngày càng nhiều. Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) lại là vùng sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu về gạo, nông sản, thủy sản chiếm tỷ lệ rất lớn trong cả nước nên đây là vấn đề tôi cho rằng là cần thiết. Và còn 1 việc tôi cho rằng hệ trọng vì ĐBSCL hiện nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì nếu điện được đảm bảo chúng ta sẽ giải quyết được phần nào đó vấn đề này. Cùng với việc xây dựng nhà máy Ô Môn sẽ đẩy nhanh tiến trình chung về các dự án của thượng nguồn là dự án của khí Lô B, qua đó góp phần thích nghi cho biến đổi khí hậu hiện nay ở khu vực này.

 Phóng viên: Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận hiện nay chúng ta đang không đủ khí phục vụ cho phát điện của miền Đông Nam Bộ cũng như một số các dự án tại Tây Nam Bộ. Nguyên nhân vì sao lại dẫn đến tình trạng này thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Chúng ta đều biết, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm tại các tỉnh phí Tây Nam Bộ. Do đó vùng kinh tế này cần những chương trình dự án mang tính chiến lược, có đầu tư dài hạn như vậy mới chủ động. Còn như trước đây, chúng ta đặt ra điều kiện ngân sách hoặc phát triển kinh tế xã hội, xác định quy hoạch vùng chưa được thoả đáng nên dẫn tới tình trạng như hiện nay. Những năm về trước chúng ta chưa xác định được đây sẽ là nơi bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu toàn cầu do đó cũng không thể lường trước được những khó khăn. Thêm nữa là có những dự án đưa vào tiến hành để đầu tư nhưng do điều kiện kinh tế xã hội, ngân sách chưa đủ nên việc đầu tư chưa được quyết liệt cũng dẫn tới tình trạng này. Rõ ràng chúng ta đang đi sau những biến đổi khí hậu, và kinh tế cũng vùng cũng đang đi sau khu vực miền đông.

 Phóng viên: Hiện nay, sơ bộ khoảng 60 dự án đang đầu tư thì có đến 35 dự án công suất từ 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa. Đây cũng sẽ là khó khăn đối với việc cung ứng điện. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện Ô Môn 4 hoàn thành kịp kế hoạch vận hành năm 2023 sẽ có ý nghĩa như thế nào với vùng ĐBSCL?

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Nếu tiếp tục đẩy mạnh tiến độ của dự án này,thì góp phần rất lớn không chỉ cho Cần Thơ mà còn cho ĐBSCL. Nó còn góp phần giải quyết cho tương lại ĐBSCL  theo như dự báo vài năm nữa sẽ thiếu hụt điện rất lớn. Do vậy nó sẽ tác động đên phát triển kinh tế của vùng cũng như việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo năng lượng.

Phóng viên: Theo ông, việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ có vai trò ra sao trong việc bù đắp thiếu hụt điện hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Đối việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời dư lượng đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, tất nhiên nhu cầu trong xã hội và nhân dân vẫn luôn có, nhưng ở đây có 1 khó khăn đó là nhu cầu về vốn để đầu tư là rất lớn. Cơ chế chính sách của chúng ta về vấn đề này hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý ổn định, vẫn chưa được đảm bảo. Tuy nhiên trong thời gian gần đấy Chính phủ đã có những hành động để gỡ khó khăn cho lĩnh vực này, qua đó mở ra khu vực tiềm năng rấy lớn. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng có 1 vấn đề tôi lưu tâm đó là khi sử dụng Năng lượng mặt trời áp mái thì những nguyên liệu sau khu không còn sử dụng và vận hành được nữa sẽ được xử lý như thế nào? Vì nếu không xử lý được thì đây sẽ trở thành rác thải công nghiệp, chúng ta cần phải để ý đến vấn đề này. Tất nhiên nếu có điều kiện về vốn thì các địa phương, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để hòa vào lưới điện quốc qua sẽ rất hiệu quả. Tôi nghĩ trong tương lai nếu phát triển năng lượng thông qua điện gió và điện mặt trời cũng là giải pháp góp phần phát triển kinh tế của vùng cũng như việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo năng lượng, an ninh nguồn điện và giữ vững quốc phòng an ninh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Với những chính sách hỗ trợ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực xây dựng kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam. Bước tiếp theo chính là lựa chọn công nghệ phù hợp để hiện thực hóa các dự án đó. Cùng với việc Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 55 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hứa hẹn mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng./.

Thanh Hải