Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/ thành phố; đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đại diện một số Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, báo cáo viên nước ngoài chia sẻ bằng hình thức trực tuyến; các nhà nghiên cứu trong nước có quan tâm đến lĩnh vực cai nghiện ma túy.
Trình bày tham luận về các hình thức và các biện pháp cai nghiện ma túy ở Việt Nam hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Cao Văn Thành cho biết, sử dụng trái phép ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Tình hình sử dụng trái phép ma túy đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, có những chất độc tính rất cao, ngay lần sử dụng đầu đã có thể bị hoang tưởng, ảo giác dẫn đến tự sát, giết người hoặc gây ra những vụ tai nạn thảm khốc, gây hoang mang trong dự luận và quần chúng nhân dân.
Theo thống kê, hiện nay gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong giải quyết tình trạng nghiện và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Nghiện ma túy là nguyên nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50%, gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58% . Đây là thực tế đáng chú ý trong xây dựng chính sách phòng, chống ma túy, phải xem trọng các can thiệp mang tính xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện.
Về tình hình thực hiện các hình thức cai nghiện ma túy, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, hiện nay gồm có: Hình thức cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; Biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung những quy định mới để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần được pháp luật điều chỉnh; tăng cường công tác thi hành pháp luật; biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện.
Các chuyên gia nước ngoài chia sẻ
Cho biết về các thông lệ và ví dụ tốt về mô hình điều trị ma túy tại Đông Nam Á, Bà Karen Peters - chuyên gia Chương trình Ma túy và Sức khỏe, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cho biết việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện tại cộng đồng hiệu quả gấp 6 lần và giảm chi phí gấp 12 lần so với giam giữ; Philippines và Thái Lan cũng đã có những thành công trong các mô hình này.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, sự tiếp cận và độ sẵn có của ma túy dạng kích thích có nghĩa là hệ thống y tế cần có sự đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng ma túy. Dịch vụ giảm hại có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy cần được mở rộng để áp dụng cho người sử dụng ma túy dạnh kích thích. Can thiệp tâm lý xã hội hiện nay được coi là liệu pháp có triển vọng nhất dành cho người sử dụng ma túy dạng kích thích (CM, MI, CBT). Nếu những nguyên tắc cơ bản về áp dụng bằng chứng khoa học trong điều trị ma túy được thực hiện, kết quả sẽ tốt hơn. Cai nghiện và điều trị bắt buộc cho thấy không có kết quả bền vững cũng như chi phí hiệu quả. Các mô hình dựa vào và do cộng đồng làm chủ không chỉ tập trung vào điều trị tình trạng lệ thuộc chất mà còn áp dụng cách tiệp cận tổng thể đã được chứng minh có hiệu quả.
PGS.TS Lê Minh Giang phát biểu tại hội thảo.
Đối với Việt Nam, PGS.TS Lê Minh Giang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học; Phụ trách Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Lạm dụng chất và HIV, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống can thiệp và điều trị rối loạn sử dụng chất đa dạng, toàn diện, lồng ghép và đa ngành. Quan tâm đến việc chi trả cho dịch vụ điều trị nghiện ma tuý, bao gồm cơ cấu các chức danh nghề nghiệp, danh mục kỹ thuật và cơ chế thanh toán bảo hiểm kết hợp tự chi trả một phần trong các cơ sở y tế có dịch vụ có can thiệp và điều trị rối loạn sử dụng chất; Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho hệ thống điều trị để phục vụ cho nhu cầu điều trị ngày càng phức tạp trong tương lai...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong kết luận một số nội dung
Kết luận một số nội dung Hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các chuyên gia, đại biểu tham dự. Các chuyên gia, báo cáo viên báo cáo các chuyên đề rất ý nghĩa; nhận định rõ các hình thức, các biện pháp cai nghiện ma túy tại Việt Nam với những tồn tại hạn chế và thách thức; kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong mô hình cai nghiện ma túy có hiệu quả tại các nước Đông Nam Á đã được đề cập; đặc biệt là việc hỗ trợ sức khỏe, tâm lý của những người sau cai nghiện mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, các thông tin được làm rõ tại Hội thảo sẽ giúp ích rất lớn trong quá trình hoàn thiện các chính sách về phòng chống ma túy và điều trị cai nghiện; sau Hội thảo cần rà soát, đánh giá các khuyến nghị một cách nghiêm túc, cân nhắc cẩn trọng quá trình tiếp thu; đồng bộ hóa các chính sách về cai nghiện nhằm giảm cầu, giảm hại, đề cao trách nhiệm xã hội./.