Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị
Kính thưa quý vị đại biểu,
Thưa quý bà, quý ông,
Trước hết, thay mặt bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA năm 2020 và thay mặt Quốc hội Việt Nam, tôi xin chào mừng các vị đại biểu và trân trọng cảm ơn các nghị sỹ đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam đã tham dự sự kiện quan trọng này.
Kính thưa quý vị,
Các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh và nhất là ma túy, không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực. Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả các quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Quốc hội Việt Nam đã luôn nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan để có những điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy.
Kính thưa các quý vị,
Các nghị quyết của AIPACODD hiện nay và AIFOCOM trước đây là những văn kiện của Nghị viện các nước ASEAN đã có nội dung khá toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao để đạt kết quả tại Hội nghị này, tôi đề nghị các vị đại biểu sẽ cập nhật tình hình phòng, chống ma túy trên thế giới, trong khu vực, các nỗ lực của ASEAN ứng phó với ma túy, để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy; đồng thời, các nghị viện thành viên AIPA cũng cùng rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết thể hiện trong nghị quyết các hội nghị AIFOCOM và AIPACODD, nhất là trách nhiệm các nhà lập pháp cần đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.
Tôi tin tưởng rằng, với các báo cáo, các văn kiện Hội nghị đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, sự tham gia ý kiến tích cực, trách nhiệm của các quý vị đại biểu, sự điều hành của bà Chủ tọa Hội nghị, Hội nghị AIPACODD lần thứ 3 sẽ thành công tốt đẹp; đóng góp tích cực quan trọng vào Đại hội đồng AIPA-41 sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị.
Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cảm ơn.