Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với những nhận định đánh giá tình hình dự kiến kịch bản tăng trưởng và các nhóm nhiệm vụ giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế- xã hội sau đại dịch.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng trong phòng, chống dịch Covid-19 và những thành quả đầy tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân và cử tri tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch, các đại biểu cho rằng, chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép: tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế. Cùng với nhiều văn bản chỉ đạo, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn sau đại dịch. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9.5 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” với 6 kết luận quan trọng; gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cùng gần 40 nghìn tỷ tiền miễn giảm tiền điện, hỗ trợ viễn thông; chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế nộp ngân sách; một loạt các chính sách kịp thời của ngân hàng nhà nước như Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông báo số 130/TB-NHNN kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến một số giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hoạt động tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cùng với các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp và sự hưởng ứng kịp thời của hệ thống các tổ chức tín dụng là những tác động cần thiết giúp cho các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu
Đề xuất một số giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì kinh tế toàn cầu tăng trưởng -5,2%. Còn ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát, nhưng đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh là khá nặng nề. Trước thực tế này, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế là rất cần thiết. Chúng ta cần đánh giá sự phát triển của đất nước trên một mặt bằng mới, một nền tảng mới, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị. Đại biểu nhất trí với đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế,... Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh thì vẫn phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, Chính phủ nên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách, quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh quốc gia, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần tham gia các khuôn khổ pháp luật khu vực và quốc tế về phát triển kinh tế số. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng vào các chính sách để tiếp cận các dịch vụ thanh toán an toàn, bảo đảm cơ hội thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn - an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số, văn hóa số, y tế, giáo dục và đào tạo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo. Đại biểu cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước và nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như "virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm" như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona. Với tinh thần chống dịch Covid-19 như vừa qua, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tăng cường đối thoại, lắng nghe, đồng hành để tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật (nhất là các Luật Đầu tư, Đầu tư công, Đất đai, Quy hoạch), đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật và kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên. Bên cạnh đó, dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng và liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; phát triển mạnh thương mại điện tử.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chú trọng phòng, chống bằng những cải cách về thể chế, bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật và các hoạt động kinh tế. Những bất cập của cơ chế chính sách, của pháp luật được phát hiện qua quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần phải được sửa đổi kịp thời.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 02 ngày thảo luận đã có 82 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, 16 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các thành viên Chính phủ cũng đã tham gia giải trình, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Có 10 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, chưa phát biểu được tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu gửi ý kiến góp ý của mình bằng văn bản về cho Ban Thư ký để tổng hợp.
Đánh giá cao không khí thảo luân sôi nổi tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng và bao quát được các vấn để mà cử tri, xã hội quan tâm, phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước đã thành công với nhiều ý kiến quý báu của các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cùng với sự ủng hộ, ý thức chấp hành của toàn thể nhân dân, tinh thần phấn đấu, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế của nước ta sẽ sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong 2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi âm, ghi chép lại đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định./.