Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự án Luật. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội.
Về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương V), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn; đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quản lý nghiêm trật tự xây dựng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã cho ý kiến về quy mô, giới hạn xây dựng đối với công trình, nhà ở nông thôn không cần phải có giấy phép xây dựng. Theo đó, tại khoản 2, điều 89 của dự án Luật Xây dựng quy định: Ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa thì các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc khu vực xây dựng khu dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, quy định trên rất thông thoáng, thuận lợi cho người dân khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn nhằm sử dụng với nhiều mục đích khác. Điều này có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Với những bất cập này, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần có quy định về giới hạn, quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp trên.
Đại biểu Dương Minh Tuấn -Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu ý kiến.
Ngoài ra, nhiều nơi đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn nhưng khu vực có quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì rất ít. Do đó, nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng là khá nhiều. Việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng với nhà ở riêng lẻ có thể làm mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn như có trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn lưới điện, bảo vệ nguồn nước. Với những bất cập trên, đại biểu Dương Minh Tuấn đề xuất Ban soạn thảo dự án cần xem xét, cân nhắc kỹ đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn.
Đóng góp ý kiến khác để quản lý các công trình xây dựng ở nông thôn được hiệu quả, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, đại biểu Nguyễn Chí Tài – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, nêu quan điểm: Đối với các công trình xây dựng ở nông thôn chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt phát triển nông thôn mới phải được cấp giấy phép xây dựng mới được triển khai thực hiện dự án. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa từ khi khởi công xây dựng công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý.
Nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về thực hiện quy hoạch xây dựng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến, hiện vẫn còn có sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị nên cần có sự xem xét, rà soát kỹ xem những điều nào bất cập để chỉnh sửa.
Đề cập về xây dựng công trình xây dựng với việc quy hoạch, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Ban soạn thảo Dự án Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp đô thị đối với quy hoạch thành phố và các khu dân cư. Cần phải quy định thống nhất và hạn chế các thủ tục không cần thiết đối với việc thẩm định các dự án để hạn chế nhiều dự án chậm tiến độ xây dựng. Bởi thực tế, có nơi xây dựng xong mới hoàn thiện quy hoạch nên có nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch. Nhằm kịp thời ngăn chặn những bất cập trên, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần ban hành quy chế xử phạt nghiêm khắc khi địa phương để xảy ra những sai phạm trong quy hoạch xây dựng.
Đại biểu Trần Tất Thế- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu quan điểm tại phiên thảo luận.
Còn Đại biểu Trần Tất Thế- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, đề cập tới việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân trong vùng quy hoạch đã được công bố mà chưa thực hiện công trình xây dựng thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất của họ khi quá thời hạn quy hoạch.
Ngoài ra, để cho phép xây dựng công trình, ở Điều 87 của dự thảo Luật quy định: Công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng, quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý Nhà nước hoạt động xây dựng. Vì trước đây, đã có quy định của các cơ quan cấp phép của Nhà nước hoàn công các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng không đem lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng. Thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm (nay là Nhà nước cấp phép sử dụng công trình xây dựng) gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân và dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép. Với bấp cập này, đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật cần có thêm quy định chặt chẽ, trách nhiệm của địa phương, xử lý nghiêm các hành vi khi để diễn ra xây dựng các công trình trái phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên thảo luận.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 19 đại biểu tham gia góp ý kiến vào phiên thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thảo luận cho thấy, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu cần rà soát về việc cần có sự thống nhất giữa Luật Xây dựng với các luật khác. Ngoài ra, cần làm rõ về thủ tục cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng ở đô thị, nông thôn; trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng, chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.